Đất nền có sổ đỏ hút dòng tiền đầu tư

Nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản chịu nhiều tác động từ Covid-19. Đến nửa cuối năm, thị trường phục hồi mạnh mẽ nhờ lực cầu tăng mạnh. Nguyên nhân là do sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế khác sang bất động sản, đơn cử như chứng khoán.

Dự báo năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên dòng sản phần này sẽ khan hiếm dần.

Đất nền có sổ đỏ hút dòng tiền đầu tư

Với những diễn biến thị trường đầu năm nay cho thấy, dự báo trên là khá sát. Chứng khoán chưa bao giờ là kênh “ăn tiền” đối với những nhà đầu tư mới, không am hiểu về tài chính. Trong khi đó, vàng, ngoại tệ thì lúc sốt cao, lúc giảm rất nhanh gây tâm lý “rủi ro” lớn. Còn đất nền lâu nay vốn được ưa chuộng như một tài sản có giá trị ngày càng tăng lên.

Chính vì ưu điểm đó, ở thời kỳ nào thì đất nền vẫn là kênh đầu tư được kỳ vọng. Thực tế đã chứng minh, từ đầu năm đến nay dù thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng giá phân khúc này vẫn có xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu Hội Môi giới, có nơi giá bất động sản tăng tới 50%. Khu vực ven đô, đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội là nơi hút vốn đầu tư bởi được hưởng lợi từ tiềm năng vị trí, dư địa tốt, giá phù hợp. 

Theo đó, giới chuyên gia bất động sản nhận định, xu hướng rót tiền mạnh vào phân khúc đất nền ven đô tiếp tục duy trì mạnh trong năm 2021. Trong khi đó, các phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch sẽ ảm đạm hơn.

Qua khảo sát thực tế, khu vực vùng ven các đô thị lớn thời gian qua giá có xu hướng tăng, mức độ quan tâm vẫn rất lớn. Một trong những địa điểm thu hút dòng vốn rất lớn từ nhà đầu tư, đó là thị trường Thái Nguyên.

Khu vực này cũng là trung tâm công nghiệp lớn, thu hút dòng vốn FDI khá mạnh. Chính điều này hình thành thị trường lao động dồi dào với các chuyên gia, quản lý trong, ngoài nước cùng hàng vạn công nhân kỹ sư, tạo sức cầu vô cùng lớn về bất động sản.

Cộng hưởng với sức nóng đầu tư cuối năm, thị trường bất động sản phân khúc đất nền Thái Nguyên càng sôi động. Một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cho biết, cận Tết là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư đi “săn” khi tâm lý bán ra mạnh, các chủ đầu tư tung nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Tuy nhiên để tránh rơi vào “bẫy” giá ảo, các nhà đầu tư thông minh hướng dòng tiền sang các sản phẩm đất nền tại khu vực trung tâm Thái Nguyên - nơi tập trung nhiều dự án bất động sản, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ sẽ đẩy giá đất tăng cao, yếu tố thanh khoản tốt. 

Thị trường văn phòng TP HCM hồi phục tích cực nhất sau dịch

Theo reatimes, báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2020 của Savills, tất cả các phân khúc đều có dấu hiệu cải thiện khá rõ ràng trong thời gian này, kể cả phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ - hai phân khúc được cho là chịu những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Trong đó, thị trường văn phòng được ghi nhận là phục hồi tích cực nhất, xu hướng văn phòng vẫn tăng, công suất vẫn rất ổn định và các chủ nhà vẫn tự tin về giá thuê qua việc luôn duy trì mức giá, tuy có tăng nhưng không đáng kể. Điều đó thể hiện qua lượng diện tích trống còn rất ít, nhu cầu là luôn luôn có dù vẫn có nhiều khách ra, và điều đó tạo nên sự cân bằng cho thị trường văn phòng.

Trong năm qua, thị trường ghi nhận thêm một dự án hạng A và 7 dự án hạng B, cung ứng khoảng 139.000m2 diện tích cho thuê thuần. Tăng trưởng kinh tế của thành phố là động lực thu hút các chủ đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê. 

Thị trường cũng ghi nhận xu hướng trả văn phòng đối với các lựa chọn văn phòng hạng A, hoặc chuyển đổi sang diện tích nhỏ hơn, hoặc những toà nhà thấp hơn. Nhận định về xu hướng này, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam chia sẻ: “Thị trường đang chứng kiến một số lượng khách chuyển sang những toà nhà thấp hạng hơn và shophouse để giảm bớt chi phí cho thuê nhằm tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu mới vẫn có và một số khách thuê vẫn có nhu cầu mở rộng, điều này khiến cho phân khúc hạng A và B duy trì ổn định. Mặc dù có sự giảm về công suất nhưng là không đáng kể”.

Thị trường văn phòng TP HCM hồi phục tích cực nhất sau dịch

Đối với phân khúc văn phòng chia sẻ (co-working space), báo cáo của Savills cũng chỉ ra sự đầu tư và hoạt động khá thận trọng của mảng dịch vụ văn phòng này. Đến cuối 2020, công suất hoạt động của không gian làm việc chung (co-working) tại các tòa nhà hạng A và B đã giảm 7 điểm phần trăm theo năm và giá thuê giảm 12% theo năm. WeWork ngừng cho thuê 1 địa điểm tại quận 1 và Up trì hoãn kế hoạch mở thêm hai địa điểm tại quận 7. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6% theo năm. Nguồn cung tăng chậm chỉ 6% theo năm. Các không gian làm việc chung với quy mô trung bình 1.800m2/địa điểm là những khách thuê lớn của phân khúc văn phòng. Tuy nhiên, các nhà điều hành co-working đang thận trọng hơn sau khi nguồn cung tăng mạnh 100%/năm giai đoạn 2017 - 2019.

Nhìn chung, 2020 là một năm thử thách đối với phân khúc văn phòng. Mặc dù vậy, nhờ việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh trong nước, cùng những hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ đã giúp cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng hoạt động hiệu quả và ổn định.

Đến 2023, thị trường văn phòng dự kiến sẽ ghi nhận thêm 325.000m2 diện tích sàn, trong đó, nguồn cung năm 2021 chiếm hơn 60%. Tỷ lệ trống ước tính sẽ tiếp tục tăng trong 2021 khi một lượng lớn nguồn cung mới gia nhập trong bối cảnh nhu cầu hạn chế.

Tuy nhiên, theo dự báo của Focus Economics, tăng trưởng GDP Việt Nam trung bình năm sẽ đạt 6,9%/ năm trong ba năm tới, niềm tin và vị thế chủ đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố. Diện tích đã cho thuê tăng 7% theo năm trong khi nguồn cung tăng 12% theo năm. Giá thuê trung bình tăng 2% theo năm, phản ánh niềm tin của chủ đầu tư trước các dự báo kinh tế tích cực. Nhiều chủ đầu tư giữ giá chào thuê không đổi hoặc thậm chí tăng giá đối với các diện tích mới trả ra sau thời gian dài lấp đầy. Tuy nhiên, diện tích trống tăng dần cũng tiếp tục củng cố vị thế thương lượng của khách thuê./.

Giá thuê văn phòng chia sẻ lao dốc

Cụ thể, theo báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường co-working, không chỉ có thị trường văn phòng cho thuê truyền thống gặp khó khăn khi đại dịch bùng phát trong năm qua, ngay cả phân khúc non trẻ đầy tiềm năng là văn phòng chia sẻ cũng tăng trưởng nguồn cung thấp nhất kể từ năm 2017, thậm chí giá thuê lao dốc suốt 12 tháng qua.

Đơn vị này cho biết thêm, đến cuối 2020, công suất hoạt động của không gian làm việc chung (co-working) tại các tòa nhà hạng A và B đã giảm 7 điểm phần trăm theo năm và giá thuê giảm 12% theo năm. WeWork ngừng cho thuê 1 địa điểm tại quận 1 và Up trì hoãn kế hoạch mở thêm hai địa điểm tại quận 7. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm 6% theo năm.

Giá thuê văn phòng chia sẻ lao dốc

Nguồn cung tăng chậm lại, cho thấy tình trạng đầu tư giảm nhiệt và xu hướng phòng thủ bao trùm thị trường này. Các không gian làm việc chung với quy mô trung bình 1.800 m2 một địa điểm là các khách thuê lớn của phân khúc văn phòng. Tuy nhiên, các nhà điều hành co-working đang thận trọng hơn sau khi nguồn cung tăng mạnh 100% mỗi năm giai đoạn 2017-2019, đến năm 2020 đà tăng chỉ còn ghi nhận 6%.

Theo các đơn vị khảo sát, sự hồi phục của thị trường văn phòng chia sẻ phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi về nhu cầu thuê văn phòng làm việc sau đại dịch. Điều này cũng đang gây sức ép buộc toàn thị trường văn phòng phải thay đổi.

Đặc biệt là phân khúc co-working hướng đến đối tượng thuê là các doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, có nhiều khả năng thay đổi thị hiếu và rất năng động nên không gian làm việc dành cho họ càng phải thích ứng nhanh với các phản ứng của thị trường sau đại dịch.

Bất động sản Thành phố Thủ Đức đang bị “hét” giá trên trời

Theo trithuctre, khảo sát cho thấy, hiện tại khu vực quận 9 rất khó tìm nền đất 50m2 có giá bán 2 tỉ đồng, thậm chí, có 3 tỉ đồng trong tay để mua được nền đất đẹp cũng khá gian nan tại khu vực này. Ngay cả các nền trong hẻm sâu, ở các khu dân cư mới cách đường lớn khá xa giá cũng đã ở ngưỡng 2.4 - 2.8 tỉ đồng/nền/diện tích 50m2. Trong khi giá này thời điểm tháng 10/2020 đang còn ở mức từ 2 - 2.3 tỉ đồng/nền cùng diện tích.

Cụ thể, trong vòng 3 tuần trở lại đây, các nền đất có sổ có hiện tượng tăng giá chóng mặt. Những lô đất diện tích 50m2 tại  phường Long Trường,  phườngTrường Thạnh (Q.9) có giá 2.150 tỉ đồng đã nhảy vọt lên 2.6 tỉ đồng/nền. Tương tự, các lô đất tại phường Long Phước, Phú Hữu, Phước Long A… cũng không nằm ngoài xu hướng "nhảy"giá trong khoảng thời gian ngắn, nhất là từ khi chính thức công bố thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức.

Trước đó, nhiều lô đất nhỏ lẻ trong hẻm tại quận 9 đầu năm 2020 giao dịch khoảng 50 - 60 triệu/m2 nhưng nay đã chào bán lên 70 - 80 triệu đồng/m2. Thậm chí, trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng... đất mặt tiền đường được đẩy lên tới 100 triệu đồng/m2. Đây là mức giá chưa từng thấy trong các năm qua. Không chỉ thông tin về Thành phố Thủ Đức mà loạt hạ tầng giao thông lớn như bến xe miền Đông, bệnh viện ung bướu, siêu dự án cũng góp phần đẩy giá nhà đất khu vực này tăng cao chóng mặt.

Hệ lụy về cơn sốt BĐS đã được chỉ ra khá nhiều trước đó ba quận khu Đông đã từng có những đợt sốt BĐS khiến những người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận chốn an cư tại khu vực này. Đó là thực tế. Và theo dự báo, nếu cứ đà tăng giá như hiện nay sẽ để lại những hệ lụy nhiều hơn là cơ hội cho thị trường BĐS khu vực này.

Bất động sản Thành phố Thủ Đức đang bị “hét” giá trên trời

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng,Thành phố Thủ Đức sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường địa ốc phía Đông TP HCM về cả nguồn cung lẫn chuỗi giá trị trong tương lai. Tuy nhiên, không nên chỉ xem đây là cơ hội để buôn bán, kinh doanh BĐS mà cần xem định hướng mục tiêu về Thành phố Thủ Đức với vị trí là một trung tâm kinh tế. Như vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, nhà ở...

"Thành phố Thủ Đức liên quan mật thiết đến nền kinh tế, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành là làm sao đưa Thủ Đức lên thành một trung tâm kinh tế, như vậy thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ… chứ không đơn thuần chỉ để xây dựng con đường và bán BĐS, cũng không phải để người dân mua BĐS để bán lại, phải làm sao để Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ để người dân có thể về đó sinh sống và làm việc, có đồng lương thu nhập", TS Khương nhấn mạnh.

Đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam từng cho rằng, giá BĐS đang đối mặt với nhiều áp lực. Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút "bong bóng". Giá đất đai ở các địa phương bị đẩy tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Trong giai đoạn vừa qua, hầu hết phải điều chỉnh cho phù hợp để lôi kéo lực cầu thị trường trở lại.

Một số chuyên gia BĐS cho rằng, việc giá nhà đất gần đây tăng cao thể hiện sự bất thường của thị trường. Trong khi nhu cầu giảm, thu nhập giảm, các chi phí tiết giảm thì giá nhà lại tăng. Vì thế, điều cần làm là phải siết chặt lại thị trường, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, "thổi giá" để thị trường có thể trở về đúng giá trị thực.

Theo Hải Miên (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/dat-nen-co-so-do-hut-dong-tien-dau-tu-20201231000000577.html