Trời lạnh làm gia tăng nguy cơ đột quỵ

Theo TS. Nguyễn Văn Tuyến – Giám đốc Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết; năm nào cũng vậy, miền Bắc đang bước vào thời tiết có nhiệt độ giảm mạnh, có thể khiến những bệnh liên quan đến thời tiết bùng phát, đặc biệt là đột quy – tai biến mạch máu não. Khi lạnh bất thường vào thời điểm đêm và sáng cũng là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì biến chứng đột quỵ, tai biến tăng cao.

Giải thích về vấn đề này, TS Tuyến cho rằng, tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát tình trạng này. Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường, Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, nguy cơ đột quỵ thường tiềm ẩn ở những người cao tuổi do lưu lượng máu qua não ở người già giảm rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết. Không chỉ người già mà những ai có tiền sử cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá.. cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công. Do vậy, cần đặc biệt lưu ý trong thời điểm thời tiết lạnh bất thường như hiện nay.

dot

Xử trí đúng cách khi bị đột quỵ sẽ giúp giảm thiểu được nguy cơ tử vong và di chứng cho người bệnh. (Ảnh minh họa).

Cách sơ cứu đột quỵ khi trời lạnh

Khi thấy ai đó có một trong các triệu chứng đột quỵ, hãy khẩn trương bắt đầu cứu chữa:

Đỡ người bệnh để không bị té ngã, chấn thương.

Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.

Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

Không nên mất thời gian cạo gió, chích máu.

Cụ thể:

Với bệnh nhân chưa rơi vào tình trạng hôn mê nhưng có biểu hiện: nhức đầu, chóng mặt, kèm theo tê nửa người (tê mặt, tê tay chân). Hoặc bệnh nhân nói ngọng, nói khó, nuốt nghẹn... phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Với bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, tiểu tiện không tự chủ, nuốt sặc thì cho người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên. Cách này sẽ giúp người bệnh tránh tình trạng trào ngược đàm nhớt vào khí quản gây tắc nghẽn đường thở gây ngưng tim, ngưng thở. Lúc này, người bệnh bị liệt hô hấp nên khi đàm nhớt tiết ra thì bệnh nhân lại không nuốt được xuống thực quản. Do đó, không cho người bệnh uống nước.

Khi chuyển lên taxi hay xe cấp cứu, luôn để bệnh nhân nghiêng đầu một bên. Người nhà không sử dụng kim chích vào đầu các ngón tay, cạo gió, cắt lễ, thoa dầu... Cách này không hiệu quả mà còn gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí sự chà xát, gây áp lực lên mạch máu còn khiến cơ thể người bệnh dễ tăng huyết áp.

Cũng không nên cho người bệnh uống thuốc hạ huyết áp, vì tình trạng hạ huyết áp đột ngột sẽ gây tổn thương não nặng hơn.

Hơn nữa, tổn thương của đột quỵ lại xảy ra ở vùng thần kinh trung ương của não bộ, do đó, những biện pháp này rất ít công dụng. Mặt khác, nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện sau 3 giờ thì việc điều trị đột quỵ cho người bệnh sẽ khó khăn hơn. Nếu nhập viện trễ, tế bào não rất khó hồi phục như những tế bào thông thường; người bệnh có thể bị yếu liệt tứ chi suốt đời, không nói được, di chứng thần kinh, rối loạn hành vi, không tự ăn uống được.

Theo Giadinhvietnam.com