Theo các văn bản pháp luật hiện hành về nhà ở và mẫu Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BXD ngày 20/2/2014 sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, việc thu và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư được quy định như sau:

Trách nhiệm đóng góp

Bên mua và bên bán đều có trách nhiệm đóng góp khoản tiền 2% đối với phần sở hữu riêng của mình để phục vụ cho việc bảo trì phần sở hữu chung trong nhà chung cư.

Quản lý

Bên bán có trách nhiệm gửi khoản tiền này vào tài khoản riêng của ngân hàng thương mại trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của bên mua theo lãi suất không kỳ hạn để tạm quản lý.

Bàn giao

Bên bán có trách nhiệm bàn giao khoản kinh phí này (bao gồm cả tiền lãi) cho Ban quản trị nhà chung cư quản lý sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập theo quy định trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định công nhận Ban quản trị của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư để phục vụ cho việc bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận thống nhất để chủ đầu tư tạm quản lý kinh phí này.

Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều khu chung cư hiện nay, mặc dù đã vào sinh sống một vài năm nhưng cư dân thậm chí không biết gì về khoản kinh phí bảo trì này.

Điều này xuất phát từ một vài lý do sau:

- Chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định và không thông báo cho cư dân thông tin về khoản tiền này cũng như kế hoạch bàn giao

- Tòa nhà chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư và chưa bầu Ban quản trị nên chưa có đơn vị tiếp nhên kinh phí bảo trì trong trường hợp có sự bàn giao

- Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư ký kết giữa cư dân với chủ đầu tư không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan đến việc nộp và quản lý khoản kinh phí này.

Bởi vậy, để bảo đảm quyền lợi của mình, người dân nên lưu ý:

Thứ nhất, rà soát kỹ Hợp đồng và yêu cầu Chủ đầu tư chỉnh sửa Hợp đồng trong trường hợp không quy định hoặc quy định không rõ ràng các nội dung về kinh phí bảo trì như vừa đề cập trên đây.

Thứ hai, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà Chủ đầu tư giữ lại), cần yêu cầu Chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban quản trị.

Thứ ba, trong trường hợp đã thành lập Ban quản trị, cần đề nghị Ban quản trị yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì, bao gồm toàn bộ khoản kinh phí mà người tiêu dùng đã nộp, kinh phí bảo trì thuộc trách nhiệm của Bên bán và toàn bộ khoản tiền lãi phát sinh trong thời gian Chủ đầu tư tạm quản lý.

Theo Việt Tuấn (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam