Khi nào nên cai sữa cho trẻ

Thông thường trong vòng 6 tháng đầu, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Giai đoạn này, trừ một số trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao cần phải ăn dặm thì đa số trẻ chỉ cần bú mẹ là đủ.

Sữa mẹ vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, vừa chứa đựng những nguyên tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế. Ngoài tháng thứ 6, khi nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng cao, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm.

Đến tháng thứ 12, một số mẹ đã bắt đầu tiến hành việc cai sữa cho con. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, tốt nhất mẹ nên cai sữa cho trẻ khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi.

Cha mẹ cần chọn đúng thời điểm và lên chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ sau cai sữa (Ảnh minh họa)

Cha mẹ cần chọn đúng thời điểm và lên chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ sau cai sữa (Ảnh minh họa)

Chế độ dinh dưỡng sau cai sữa cần được quan tâm

Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ sau khi cai sữa vô cùng quan trọng. Vì khi cai sữa mẹ trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để có thể phát triển tốt.

Trong giai đoạn cai sữa trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng vì thế trước khi cai sữa cho con mẹ cần tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sau cai sữa.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, trẻ bú mẹ rất ít bị rối loạn tiêu hóa bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất. Thành phần chính của sữa mẹ là protein với tỷ lệ casein và whey hợp lý nên rất dễ hấp thu mà các loại sữa khác không thể so sánh được.

Bên cạnh đó còn có nhiều alpha- lactalbumin là loại đạm dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, cung cấp các axit amin thiết yếu cho cơ thể.

Sữa mẹ cũng giàu lactoferin, đặc biệt có nhiều trong sữa non, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, thúc đẩy quá trình hấp thu dưỡng chất.

Đa phần cha mẹ rất lo lắng khi con bắt đầu đến tuổi cai sữa mẹ chuyển sang uống sữa công thức. Lúc này bé thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu lỏng, phân sống, táo bón.

Trong khi đó, sức khỏe hệ tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh, trẻ mới hấp thu hiệu quả các dưỡng chất, giúp tăng khả năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng và phát triển toàn diện.

Bác sĩ Nguyệt giải thích: Trẻ đến giai đoạn chuyển tiếp sau cai sữa mẹ rất dễ rối loạn tiêu hóa bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt là suy giảm các yếu tố bảo vệ có trong sữa mẹ. Vì vậy phụ huynh cần chú ý trong chế độ dinh dưỡng giúp bé thích nghi và hạn chế rối loạn tiêu hóa: 

- Đảm bảo vệ sinh, cho trẻ ăn chín, uống sôi. Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho bé và người chăm sóc, nhất là rửa tay trước khi ăn hay cho trẻ ăn, khi chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi dọn phân cho bé.

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, phân sống.

- Chú ý khẩu phần ăn hàng ngày của bé phải cân đối, đa dạng thực phẩm, sử dụng các thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu chất xơ, giúp tăng cường miễn dịch như sữa, sữa chua, thịt, cá, trứng, rau, trái cây...

- Sử dụng sữa công thức có bổ sung các yếu tố bảo vệ hệ tiêu hóa như lactoferrin, alpha lactalbumin, probiotic, prebiotic...

Một số lưu ý sau khi trẻ đã cai sữa

Sau khi trẻ cai sữa, mẹ nên thường xuyên theo dõi cân nặng của bé. Nếu thấy trẻ chậm tăng cân thì mẹ phải xem lại chế độ ăn uống của bé cũng như khả năng hấp thụ của bé.

Mặc dù đến giai đoạn cai sữa, răng của bé cũng đã có những thay đổi nhất định nhưng không vì thế mà mẹ cho bé ăn các đồ ăn cúng, dai. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng răng của trẻ sau này.

Cai sữa là một bước ngoặt trong quá trình phát triển của trẻ. Vì vậy để bước ngoặt của trẻ thuận lợi và thành công, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bé, đảm bảo cho bé phát triển tốt nhất nhé!

Mong rằng với những chia sẻ trên đây về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sau cai sữa sẽ cho các mẹ thêm những thông tin hữu ích để chăm sóc trẻ tốt hơn.

Theo Giadinhvietnam.com