Hiện đa phần các nhà máy chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân (Ảnh TL)

Trong khi đó, tổng diện tích trồng sắn của cả nước chỉ ở mức 500 – 530 nghìn ha/năm với tổng sản lượng 8,8 triệu tấn củ tươi. Như vậy, nguồn nguyên liệu cho sản xuất tinh bột sắn hiện thiếu tới 6,7 triệu tấn, nghĩa là đang ở tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn nhận định đây là một nguy cơ rất lớn bởi xu thế hiện nay các thị trường đều có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, ông Tiến khuyến cáo các doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành sắn.

Cũng theo ông Tiến, hiện đa phần các nhà máy chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân. Điều này, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đểu yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực. 

“Từ việc đầu vào quy hoạch không đồng bộ, tăng số lượng nhà máy cũng như tăng công suất sản xuất quá nhanh làm phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, cho tới việc đâu ra hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc với 90% xuất khẩu sang Trung Quốc và giao dịch tiêu ngạch chiếm lợi thế đã dẫn tới việc khó khăn khi Trung Quốc siết chặt giao dịch thương mại biên mậu” – ông Tiến nói.

Theo Hiệp hội Sắn, hiện nay, tại các cửa khẩu biên giới Việt -Trung hầu hết đều gặp tình trạng quá tải hạ tầng, không đáp ứng kịp tốc độ gia tăng xuất khẩu biên mậu. Bên cạnh đó, chi phí bến bãi và chi phí công nhân ngày một tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, thời gian vừa qua, phía Trung Quốc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành hay đưa ra những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các chính sách như tỷ giá, quy định về kiểm dịch thực vật yêu cầu về nông sản hay chính sách cắm biên, sự không nhẩt quán về thông tin trên bao bì.

Đặc biệt từ 15/11/2018 đến nay phía cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đã cấm biên, hiện tai mới có 66 đơn vị thuộc Hiệp hội sắn được xuất qua cửa khẩu Móng Cái và một số ít xuất qua Bằng Tường. Còn lại nhiều đơn vị hội viên cũng như đơn vị khác chưa kịp làm thủ tục, hiện Hiệp hội Sắn đang thiểt lập hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận và đề nghị phía Hải quan Trung Quốc chấp thuận. 

Theo các doanh nghiệp sắn, việc xuất khẩu sắn qua Trung Quốc bị đình trệ đã khiến các nhà máy bị tồn kho khá lớn, vướng mắc chung là hết vốn để tiếp tục sản xuất. Trong khi tại nhiều địa phương, sắn lại đang vào vụ thu hoạch, việc không tiêu thụ được khiến các doanh nghiệp không có nguồn tài chính để mua sắn nguyên liệu của nông dân. Nhiều doanh nghiệp cho biết tồn kho hiện đã vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 1 tháng nữa thì nhiều nhà máy sẽ phá sản, kéo theo hệ lụy lớn đến người nông dân cũng như kinh tế- xã hội. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đặc biệt lưu ý về tính trạng tổng công suất của các nhà máy đã vượt quá so với vùng nguyên liệu. Theo đó, ông Nam giao Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thực hiện rà soát công suất của 120 nhà máy, sau đó có văn bản lưu ý các địa phương về vấn đề mở mới các nhà máy chế biến sắn.

Ông Nam cũng khuyến cáo các DN cần lấy vai trò của hiệp hội làm trung tâm để điều phối. Hiệp hội Sắn phải đứng ra tập hợp doanh nghiệp để làm theo định hướng của nhà nước. “Nếu không cẩn thận, ngành sắn sẽ đi vào vết xe đổ của ngành mía đường. Hiện 41 nhà máy đường, nhưng sản xuất ra bán không được, mỗi năm thừa 600-700 ngàn tấn, trong khi đường Thái Lan chiếm lĩnh thị trường” – ông Nam cho hay.

 

Theo congluan.vn