Mũi tên chưa trúng đích

Nghị định 20 là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, được ví như “chiếc vòng kim cô” để ngăn chặn nạn chuyển giá tại các công ty đa quốc gia, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế, chuyển giá.

Thực tế, Nghị định 20 có hiệu lực đã giúp ngành thuế thu thêm được mấy nghìn tỷ đồng từ việc giảm lỗ và truy thu thuế. Dẫu vậy, các doanh nghiệp FDI dường như đang “không mấy quan tâm” đến việc không chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20.

“Đòn chí mạng” thay vì giáng trúng đầu các doanh nghiệp đa quốc gia có hành vi chuyển giá thì lại đang khiến các doanh nghiệp chân chính trong nước phải “chảy máu” thay.

“Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng giá đầu vào và đầu ra. Họ tính khống giá trị của nguyên vật liệu, trang thiết bị, phí chuyên gia…

Ngay từ lúc kýhợp đồng liên doanh họ đã lãi rồi. Họ cũng “ăn” vào vào chuyển giá sản phẩm. Sản phẩm công ty liên doanh bán cho công ty mẹ rất rẻ để công ty mẹ bán ra thị trường quốc tế với giá đúng, từ đó thu lãi. Thế nên có thể nói Nghị định 20 không ảnh hưởng đến họ.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại hầu như phải hứng chịu hệ lụy từ quy định khống chế chi phí lãi vay này, đặc biệt là các công ty kinh doanh trong lĩnh vực có hệ số đòn bẩy lớn như bất động sản, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay đang muốn mở rộng đầu tư.

Nhìn rộng ra, việc đặt quy định để chống chuyển giá, tăng thu thuế nghe thì có vẻ thu được nhiều thuế hơn, nhưng doanh nghiệp bị quy định cản trở không phát triển được thì về trung – dài hạn, nguồn thu sẽ bị sụt giảm”, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Đánh giá về tác động của Nghị định 20 đối với các doanh nghiệp nước ngoài, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp FDI thực sự không mấy quan tâm đến Nghị định này: “Khi Nghị định đề ra, chúng tôi có những thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thật sự quan tâm lắm.

Chúng tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài. Phần vì tỷ lệ lãi, vốn vay của các doanh nghiệp nước ngoài không quá cao cho nên bản thân lãi suất cũng đã có sự khống chế nhất định.

Với Nghị định 20, nguyên tắc chống chuyển giá chính là chống chuyển giá trong giao dịch liên kết. Và một trong những nguyên tắc đó là xác định giá trên cơ sở thị trường. Đối với doanh nghiệp nước ngoài khi mới đầu tư vào Việt Nam họ đã xem xét điều này, còn những doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì mức độ quan tâm của họ rất ít, phản ứng không nhiều bằng hiệp hội các doanh nghiệp trong nước”.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mỗi năm có khoảng từ 40 - 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu không ít doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất.

Theo các chuyên gia về thuế, thủ đoạn của các công ty đa quốc gia là lợi dụng sự khác biệt trong chính sách thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và lợi dụng chế độ ưu đãi thuế của các quốc gia, vùng, miền để xây dựng và áp dụng một chính sách về giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn. Đầu tiên, doanh nghiệp FDI thành lập công ty vỏ bọc, công ty không có hoạt động thực chất tại nơi này để chuyển giá, dẫn tới nguy cơ suy giảm nguồn thu của quốc gia nơi tạo ra lợi nhuận.

Đó là những minh chứng cho thấy, ngành Thuế nước ta vẫn còn nhiều “lỗ hổng” để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng. Và việc vội vàng áp trần lãi vay theo Nghị định 20 đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã đi ngược lại với mục đích ban đầu, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp chân chính.

Những bất cập của Nghị định 20 đang tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

“Nghị định 20 tác động lớn tới đối tượng là các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10%.

Điều này vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội. Thứ hai, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án. Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn”, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân cho hay

Ngành thuế cần “mạnh tay” vào đúng đối tượng

Báo cáo tổng hợp của cơ quan thuế trong khoảng 5 đến 6 năm qua cho thấy ngành thuế đã thu về khoảng 1,5 tỷ USD số tiền giảm lỗ và 10.000 tỷ đồng số tiền tuy thu thuế.

Nhưng nhiều chuyên gia lại đặt câu hỏi liệu như vậy đã đủ chưa khi mà mỗi năm cơ quan chức năng chỉ thanh tra số ít doanh nghiệp? Nếu tăng số lượng doanh nghiệp bị thanh tra thì số tiền giảm lỗ và truy thu thuế có thể sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Cùng với đó là câu chuyện không ít doanh nghiệp FDI đang có dấu hiệu chuyển giá nhưng vẫn chưa bị ngành thuế “sờ gáy”, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã có động cơ chuyển giá.

Do đó, thay vì áp trần vi phí lãi vay làm khó các doanh nghiệp chân chính, nên khoanh vùng đối tượng để thiết lập một thể chế quản lý thuế khách quan công bằng và đảm bảo được nguồn thu ngân sách chính xác đến từng doanh nghiệp.

Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, tình trạng chuyển giá ngày càng gia tăng phức tạp, chủ yếu là do những bất cập trong quản lý: “Hiện chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...). Chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (Công an, tham tán kinh tế) để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá”. Do đó, ông Trường cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI là tập trung thanh tra vào nhóm đối tượng cácdoanh nghiệpliên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường.

Bên cạnh đó, ông Trường cho biết, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá. Trong khi đó, một trong những cơ sở quan trọng để xác định có hành vi chuyển giá hay không và áp dụng phương pháp nào để xác định giá chuyển giao trong trường hợp có hành vi chuyển giá là phải có thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về những người nộp thuế.

Theo đó, để xác định một giao dịch chuyển nhượng là tuân theo quy tắc thị trường hay phục vụ mục đích chuyển giá, các cơ quan có liên quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương… cần có cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao. Còn hiện tại chưa có cơ sở dữ liệu về giá cả thị trường quốc tế, nguyên liệu, hàng hóa, thành phẩm, máy móc trang thiết bị... làm cơ sở tham chiếu nên việc đấu tranh chống chuyển giá vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thảo Liên

Theo Reatimes.vn