Giờ đây đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc lên san sát. Nhưng để hỏi thăm và tìm được nhà nghệ nhân Quách Văn Trường thì không hề khó. Có lẽ cái tên ấy đã quá quen thuộc với người dân Định Công bởi ông là một trong những người hiếm hoi còn giữ nghề đậu bạc độc đáo này.

Gian nan truyền và giữ lửa nghề…

Nói đến nghệ nhân có tâm huyết gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long, chắc hẳn không thể không kể đến nghệ nhân Quách Văn Trường. Mở cửa cho chúng tôi là một cụ ông đã ngoài 70 tuổi, không phải nói chúng tôi cũng nhận ra đây đúng là người mà mình cần tìm. Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Quách Văn Trường nhìn vẫn rất minh mẫn và phong độ… Thậm chí, nếu ông không nói thì chúng tôi cũng không thể biết được người đàn ông này đang mang trên mình rất nhiều thương tích mà chiến tranh gây ra. 

Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng câu nói về bốn nghề tinh hoa nhất Thăng Long xưa mà người đời vẫn thường truyền tai nhau: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Nhưng từ đầu thế kỷ XXI, tại cái nôi nghề kim hoàn đã không còn mấy ai theo nghề truyền thống. Bởi lẽ nghề đậu bạc đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người nghệ nhân. Đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Đậu phải làm thủ công chứ không thể bằng máy.

Ông Quách Văn Trường, nghệ nhân làng nghề đậu bạc Định Công.

Ông Quách Văn Trường, nghệ nhân làng nghề đậu bạc Định Công.

Nhâm nhi chén nước chè, người nghệ nhân tâm sự cho chúng tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề với biết bao thăng trầm theo dòng lịch sử.

Làng Định Công xưa có 3 thôn: Thôn Thượng, thôn Trại và thôn Hạ, nhưng các họ theo nghề đều ở thôn Thượng. Họ Quách chuyên về đậu bạc; họ Trần, Mai chuyên làm vàng. Tuy nhiên, đến nay nghề vàng đã mai một, còn nghề đậu bạc thì vẫn duy trì với gia đình 2 nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề đậu bạc, nghệ nhân Quách Văn Trường đã tiếp xúc và phụ nghề từ năm 10 tuổi, năm 17 tuổi đã là thợ cả của Hợp tác xã Đông Bình. Trở về từ chiến trường năm 1971, ông Trường mang trong mình nhiều vết thương do bom đạn. Người thương binh hỏng hoàn toàn một bên mắt và sống chung với nỗi đau của hơn chục mảnh đạn găm trong người vẫn can đảm bước trên con đường khôi phục làng nghề. Để gìn giữ và phát triển hơn nữa làng nghề truyền thống mà cha ông để lại, ông bắt đầu ra thị trường sản phẩm vàng bạc tham khảo, sau đó kết hợp với các ý tưởng của mình sản xuất ra các sản phẩm vô cùng độc đáo và tinh xảo. Các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng đón nhận và vô cùng yêu thích. Nhận thấy sự phát triển của nghề, ông đã truyền nghề cho những người thân, con em trong làng có nhu cầu muốn học nghề, làm cơ sở sản xuất. Đặc biệt, ông đã trực tiếp tham gia giảng dạy, đào tạo nghề miễn phí cho các học viên. Đồng thời, những học viên có nhu cầu làm việc, học viên giỏi được mời về cơ sở sản xuất của ông để rèn luyện và trau dồi hơn nữa các kỹ thuật của nghề. 

Anh Quách Phan Tuấn Anh (37 tuổi), nghệ nhân trẻ hiếm hoi đang gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống. Ảnh: vov Anh Quách Phan Tuấn Anh (37 tuổi), nghệ nhân trẻ hiếm hoi đang gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống. Ảnh: vov

Theo nghệ nhân Quách Văn Trường, nghề đậu bạc được các thế hệ trẻ kế tục là một điều rất đáng trân trọng. Nhớ lại những ngày đầu tìm cách khôi phục nghề truyền thống, ông Trường cho biết, khi ông mở lớp, có cả thảy 28 học viên xin học nghề. Trải qua một thời gian dài “truyền lửa”, số học viên giảm dần, vì để theo được nghề là cả một quá trình gian nan, cần đến nhiều yếu tố, không chỉ ở đôi bàn tay. Nếu chỉ chăm chăm làm các sản phẩm theo những mô-tuýp cũ kỹ, theo lối mòn thì rất khó phát triển nghề vì sẽ nhanh chóng tạo sự nhàm chán cho khách hàng. Người thợ đậu bạc cần có óc sáng tạo phong phú, tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực. Đó chính là những yếu tố quan trọng để trở thành một nghệ nhân giỏi.

“Đã đến lúc thế hệ kế tục cần phải giữ gìn…”

Với những tâm huyết mà nghệ nhân Quách Văn Trường dành cho tổ nghề, con trai út Quách Phan Tuấn Anh của ông dù tốt nghiệp khoa Luật và Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân đã quyết định theo nghề làm đồ bạc gia truyền. “Khi còn đi học, tôi thường bảo Tuấn Anh mỗi dịp nghỉ hè về làm thêm cho tôi nhưng nó dứt khoát không làm, con không thể làm nổi. Nó cứ từ chối và không chịu học nghề. Các anh, chị nó trước đây nghỉ hè vẫn toàn về phụ tôi còn riêng Tuấn Anh thì không bao giờ. Nhưng đến khi ra trường và cầm trên tay 2 tấm bằng đại học, Tuấn Anh có chia sẻ với tôi rằng con thấy nghề này của bố khách hàng thì đông, việc thì nhiều, giờ bố cũng lớn tuổi rồi, bỏ nghề thì phí quá vì nhà mình đã có truyền thống bao nhiêu năm nay. Thôi con quyết định quay về học và tiếp nối truyền thống gia đình”.

Với một người đam mê và đã quen với công việc từ nhỏ, để có thể trở thành một người thợ giỏi đã là cả một quá trình gian nan. Đối với Tuấn Anh, bước khởi đầu chắc hẳn cũng không hề đơn giản, nhưng anh cũng không vì thế mà nản chí. Tình yêu, niềm đam mê với nghề đã thôi thúc anh tìm hướng đi mới để gìn giữ và phát triển nghề quý của cha ông. “Những ngày đầu học nghề, làm nghề, phải đối mặt với biết bao khó khăn, cả trong chế tác lẫn tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng tôi không nản chí. Nghề đậu bạc đã được cha ông xây dựng và phát triển, đã đến lúc các thế hệ kế tục như chúng tôi phải gìn giữ”, anh Quách Phan Tuấn Anh chia sẻ.

Mô hình bạc Cô gái áo dài- một trong những sản phẩm của anh Quách Phan Tuấn Anh.

Mô hình bạc Cô gái áo dài- một trong những sản phẩm của anh Quách Phan Tuấn Anh.

Năm 2005, anh quyết định mở lớp dạy đậu bạc miễn phí nhằm lan tỏa nghề và tìm ra những người có chung niềm đam mê. Ngày đầu không có vốn, anh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền thuê xưởng, sắm sửa đồ nghề và mua bạc cho các học viên thực hành. Anh tâm sự: “Ngày đầu, lớp có gần 20 học viên, nhưng sau vài tháng con số cứ vơi dần. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thất vọng, bao nhiêu công sức, tâm huyết như đổ xuống sông, xuống biển”.

Đến tận xưởng nơi anh Tuấn Anh làm việc chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, tỉ mỉ của những người thợ ở đây. Chia sẻ về nghề gia truyền, Tuấn Anh cho hay, khác với trơn bạc hay chạm bạc, đậu bạc không dùng khuôn mà làm thủ công ở tất cả các khâu. Vì thế, một sản phẩm cùng mẫu mã nhưng lại có đường nét, chi tiết khác nhau. Người thợ kim hoàn Định Công có thế mạnh đậu bạc nức tiếng khắp vùng. Quy trình đậu bạc truyền thống trải qua nhiều giai đoạn như nấu, cán, kéo, se, ghép... Một người thợ phải mất 7-8 năm theo nghề mới có thể làm thành thạo, tự hoàn thiện tất cả các công đoạn.

Với “gen di truyền” của dòng họ nhiều đời làm nghề đậu bạc, đến năm 2007, Tuấn Anh là đại biểu duy nhất đại diện cho nghệ nhân kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Quách Phan Tuấn Anh vinh dự được nhận giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo” với tác phẩm “Trâu vàng”. Từ năm 2008, anh cũng lập một website (http://vietsilver.com.vn) giới thiệu các sản phẩm đậu bạc đến với không chỉ khách hàng trong nước mà cả quốc tế.

Tuấn Anh bộc bạch: “Bố tôi vẫn luôn răn dạy, đối với bất cứ nghề thủ công nào, người thợ cũng cần có đôi tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo và nết làm ăn cần cù, chịu thương chịu khó. Nhưng riêng nghề kim hoàn còn đòi hỏi người thợ phải sống có đức, phải giữ chữ tín với mọi người. Vàng bạc là thứ kim loại quý, không phải ai cũng có, vì thế người thợ không thể tráo chác trong nghề hay mua bán trao tay, mà phải chịu trách nhiệm mãi với những sản phẩm mình làm ra”.

Giữ gìn nghề truyền thống đậu bạc: Liệu có thể?

Với một thế hệ trẻ tâm huyết, nghề đậu bạc Định Công đang được giữ gìn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết. Do vắng bóng trên thị trường một thời gian dài nên rất nhiều người không biết đậu bạc là gì, không biết cái hay cái đẹp của sản phẩm đậu bạc. Việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm khó khăn, khách hàng hạn chế.

Giữ gìn nghề truyền thống trong thời buổi bây giờ là rất khó, sẽ có lúc nản lòng nếu không có lòng yêu nghề, dần dần mọi thứ sẽ mai một, sẽ chỉ còn dư âm đọng lại. Chỉ sợ đến một ngày nào đó người thợ cuối cùng rồi cũng sẽ buông tay nếu không có sự trợ giúp của chính quyền hay các cấp, các ngành…

Bài toán chung cho tất cả các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn nhân lực kế cận đang cần tìm lời giải thỏa đáng. Nếu vấn đề này được giải quyết, chắc chắn nghề đậu bạc Định Công sẽ ngày càng được phát triển hơn.

Bích Việt

Theo congluan.vn