Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử đang nằm ngoài tầm kiểm soát đã gây phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống cộng đồng.

Thực trạng

Cùng với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, mạng xã hội đang là kênh bán hàng được khai thác nhiều nhất, bởi lượng người tham gia đông đảo, thuộc nhiều lứa tuổi. Ấn tượng đầu tiên khi truy cập bất kỳ mạng xã hội facebook, zalo, youtube… là hàng loạt những thông tin rao bán hàng hóa. Chính sự đa dạng của các mặt hàng được rao bán trên mạng xã hội nên nơi đây được coi là “thủ phủ” của thị trường hàng giả, hàng nhái thậm chí là hàng quốc cấm.

Không khó để có thể tìm kiếm trên facebook một trang bán hàng online nhái hàng hóa của các nhãn hiệu lớn của thế giới như Gucci, Louis Vuitton, Calvin Kein, HM, Vertu… Từ đồng hồ, túi xách, giày dép đến quần áo nhái của các hãng thời trang đắt đỏ được bán trên facebook với giá chỉ vài trăm nghìn đến triệu đồng, trong khi hàng chính hãng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Trong một lần, tôi nhận được lời mời tham gia nhóm những người chuyên đặt hàng từ nước ngoài về bán trong nước thông qua facebook. Tôi chưa vội chấp nhận mà vào nhóm để tìm hiểu. Ngay khi vừa vào xem các bài viết của nhóm, tôi bị choáng ngợp trước vô vàn hàng hiệu đủ loại. Theo lời kể của một thành viên trong nhóm, tôi được biết, nhóm này toàn mua bán, trao đổi hàng hiệu đảm bảo, ai bán hàng “fake” sẽ bị “out” ngay.

Có nhu cầu mua một chiếc túi hàng hiệu để tặng SN bạn gái, tôi đăng tin tìm kiếm người bán trong nhóm trên facebook. Ngay lập tức, nick name P.T nhắn tin trò chuyện riêng cho biết: “Chiếc túi bạn quan tâm là hàng xịn, có hóa đơn đàng hoàng. Giá đang giảm, hiện chiếc túi chỉ còn hai triệu đồng”. Sau khi trò chuyện, người bán này hạ giá xuống còn 1.800.000 đồng. Theo tìm hiểu của tôi, chiếc túi đó nếu được bán ở các cơ sở có uy tín, hàng chính hãng sẽ có giá lên tới vài chục triệu đồng.

Hiện nay, thực trạng hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội đang ở mức báo động. Đặc biệt, tình trạng bán hàng giả trên internet bùng nổ nhanh chóng và khó quản lý. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.

“Làm sao có thể mua được đồng hồ Rolex hàng hiệu với giá vài triệu đồng, hay những chiếc túi xách hàng hiệu với giá vài trăm nghìn đồng? Việc mua bán online giúp người mua không cần đi xa, có thể chỉ ngồi nhà đã dễ dàng mua được hàng rồi. Nhưng mua hàng có được như ý không lại là một vấn đề khác. Cá nhân tôi có thể khẳng định rằng, mạng xã hội đang là một thủ phủ hàng giả, hàng nhái lớn nhất mọi thời đại mà chúng ta chưa xóa bỏ được”, luật sư Lại Thị Trang, Đoàn luật sư Hà Nội, chia sẻ.

Hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, công khai như vậy nhưng các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa hàng hóa của các đối tượng để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hữu hình vốn đã phức tạp, khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử còn tinh vi, phức tạp hơn nhiều.

Trong khi công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Ngoài ra, kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường; công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn.

co mot thu phu hang gia hang nhai dang bi bo quen
Hàng nhái thương hiệu nổi tiếng được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Để hạn chế vấn nạn

Nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm vẫn gia tăng là do nhận thức của không ít người dân còn hạn chế, tâm lý thích dùng hàng nhái thương hiệu nổi tiếng; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa đồng bộ; trang thiết bị chưa đáp ứng công tác thực thi công vụ... Không ít người mua hàng trên mạng xã hội nhận ra mình bị lừa rồi thì ngậm bồ hòn và tặc lưỡi cho qua mà không muốn báo cáo cơ quan chức năng, khiến hàng giả hàng nhái liên tiếp lừa người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội, Nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh hơn với những đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái. Các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn chỉ xử phạt vi phạm hành chính, quá ít vụ việc xử lý hình sự. Do đó, cần xây dựng lại văn bản luật và chính sách để người bị xử phạt không tái phạm.

Bên cạnh việc người tiêu dùng bị lừa dối phải sẵn sàng cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện tài khoản bán hàng giả, hàng nhái, các DN phải cùng vào cuộc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu, điều tra và có biện pháp xử lý triệt để các đơn vị làm nhái sản phẩm của đơn vị mình. Thậm chí có tình trạng DN biết nơi làm giả sản phẩm của mình nhưng không dám làm to chuyện vì sợ thương hiệu bị ảnh hưởng khiến các nơi làm hàng giả càng lộng hành.

Việt Khuê

Theo phapluatxahoi.vn