Như thế nào là ăn chay?

Ăn chay có nghĩa là chỉ sử dụng các loại rau củ quả và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật trong khẩu phần ăn mà không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Tuy nhiên, về cơ bản, thực đơn ăn chay thường không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như những bữa ăn bình thường khác. Bởi vậy, hầu hết các chuyên gia đều không khuyến khích mọi người ăn chay quá nhiều. 

Đặc biệt, có một số nhóm đối tượng tuyệt đối không nên ăn chay. 

Không phải ai cũng phù hợp với chế độ ăn chay

Ai không nên ăn chay?

Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai, người mẹ cần được bổ sung đa dạng và đầy đủ vi chất, dưỡng chất, đặc biệt là protein, canxi và sắt, kẽm, magie, axit folic,… để đảm bảo sự phát triển toàn diện nhất cho thai nhi.

Nếu thiếu dễ dẫn đến nguy cơ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu. Vậy nên một chế độ ăn uống kiêng kem, nghèo nàn sẽ rất bất lợi cho bào thai.

Trong thời kỳ này, dinh dưỡng của mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng quyết định sức khỏe của cả mẹ và con. Nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này tăng cao nên cần tăng các thực phẩm chứa nhiều sắt có nhiều trong động vật như thịt, cá, trứng, sữa… và bổ sung sắt, axit folic, các vitamin, khoáng chất cần thiết.

Nếu ăn chay lại không bổ sung đầy đủ vi chất, chưa kể rau còn chứa chất xơ làm giảm hấp thu sắt dễ thiếu chất đạm làm bé suy dinh dưỡng từ trong bào thai, khi sinh ra bé dễ còi cọc, chậm phát triển cả về trí lực, thể lực,…

Trẻ em: Trẻ nhỏ cần một chế độ ăn uống phong phú, dồi dào để có thể phát triển tốt nhất cả về thể chất và trí tuệ.

Ở trẻ em giai đoạn ăn dặm, cần nhiều vitamin A, vitamin D. Để tránh những rối loạn thị giác do thiếu vitamin A, tránh bị còi xương do thiếu vitamin D, chúng ta cần cho bú sữa mẹ đầy đủ và sử dụng chế độ ăn dặm nhiều chế phẩm có nguồn gốc động vật để cung cấp đầy đủ hai loại vitamin này.

Chế độ ăn chay thường gây ra nguy cơ thiếu hụt hai vitamin này vốn ít có trong các thực phẩm thực vật. Vì vậy không nên cho trẻ em ăn chay

Người mắc chứng thiếu máu: Trong thịt tập trung một lượng lớn chất sắt, nếu áp dụng một chế độ ăn chay không thịt thì lượng chất sắt sẽ thiếu hụt, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, người đang bị suy dinh dưỡng, những người bị nhiễm khuẩn, sốt cao cũng không nên ăn chay thường xuyên. Người bệnh cần phải có đủ dưỡng chất để phục hồi sức khỏe.

Người đang ốm, người suy giảm thể lực, phụ nữ đang trong giai đoạn đèn đỏ cũng được khuyến cáo là không nên ăn chay.

Hãy sử dụng chế độ ăn chay khoa học, đúng đối tượng để tận dụng những tác dụng có lợi và giảm thiểu những mặt yếu được coi là không thích hợp.

Theo Châu Anh (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam