Bộ yêu cầu giảm giá cước

Dân trí đưa tin, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát và kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trước ngày 30/9.

Riêng với lĩnh vực hàng không, sau khi giá xăng dầu liên tiếp giảm, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tăng cường áp dụng nhiều mức giá vé thấp và chương trình khuyến mại nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại.

Tính đến ngày 3/9, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 5 lần liên tiếp kể từ khi đạt mức đỉnh 20.710 đồng/lít hồi tháng 6. Tính chung từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng RON 92 đã 7 lần giảm (tổng cộng giảm 5.588 đồng/lít) và 4 lần tăng (tổng cộng giảm 5.040 đồng/lít). Như vậy, giá xăng hiện nay đã rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm khoảng 548 đồng/lít.

Trên thực tế, nhiên liệu chiếm 35%-40% cước phí vận tải, do đó nếu giá xăng dầu giảm thì cước vận tải sẽ giảm tương ứng. Tuy nhiên, dù giá xăng liên tục giảm nhưng giá hàng hóa, cước vận tải vẫn án binh bất động.

Với tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ này đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát và kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trước ngày 30/9.

Nhà xe trúng đậm vì "chây ì"

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía nam (Hà Nội) trả lời trên báo Thanh niên, trong tháng 6 - 7 các doanh nghiệp (DN) đăng ký tại bến xe này (từ Hà Nội đi các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh...) đều giữ nguyên giá vé, với lý do giá dầu giảm ít dù trên thực tế 2 tháng này giá dầu diesel giảm liên tiếp 4 lần, từ mốc 16.360 đồng/lít ngày 4.6 xuống còn 14.680 đồng/lít ngày 20/7, tương ứng giảm 1.680 đồng/lít dầu.

Nhiều nhà xe tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) chưa có động thái giảm giá cước - Ảnh: Thanh niên

Tới tháng 8, khi giá xăng dầu giảm liên tiếp thì bến xe cũng chỉ nhận được thông báo giảm giá của 5 nhà xe chạy các tuyến Thái Bình - Hà Nội, Cẩm Phả - Hà Nội, Thanh Hóa - Hà Nội..., với mức giảm 3 - 8,3%. Trong khi đó, nếu tính mốc giảm giá ngày 4.6 đến mốc giảm ngày 19.8, giá dầu diesel đã giảm 18% (từ 16.360 xuống 13.420 đồng/lít).

Ông T., một nhà xe có 2 xe chuyên tuyến Hà Nội - Nam Định (khoảng 110 km), cho biết lượng xăng dầu mỗi chuyến với xe khách 54 chỗ khoảng 22 - 24 lít dầu diesel vào mùa hè và 20 - 21 lít vào mùa đông (do không phải dùng điều hòa khi chạy xe); với xe 24 chỗ hết khoảng 12 - 14 lít, xe Samco 29 chỗ hoặc xe 36 chỗ hết khoảng 16 lít diesel.

“Giá dầu chiếm khoảng 38 - 40% chi phí giá thành mỗi chuyến xe, cùng phí cầu đường (phí cao tốc, trạm BOT), khấu hao, sửa chữa, nhân công, bảo hiểm...

 Tính ra, mỗi chuyến xe 54 chỗ, chi phí nhiên liệu thời điểm đầu tháng 6 khi giá dầu bắt đầu chu kỳ giảm là 390.000 - 400.000 đồng/chuyến, đến nay giảm còn 320.000 đồng/chuyến, tức đã lãi thêm 70.000 - 80.000 đồng tiền dầu/chuyến, tương ứng với lãi tăng thêm 8%, khoảng 700 đồng/km.

 Với xe 24 chỗ, mức lãi tăng thêm từ 350 - 400 đồng/km”, ông T. tính toán. Trung bình, với 2 xe (54 và 24 chỗ) mỗi ngày 2 lượt đi/về, ông T. lãi thêm 9,6 triệu đồng/tháng nhờ giá dầu rẻ. Như vậy, càng chạy nhiều, nhà xe, các hãng vận tải càng lãi lớn.

 Trong khi đó, giá cước xe tuyến Hà Nội - Nam Định hầu như giữ nguyên ở mức 60.000 - 75.000 đồng/khách, tùy loại xe (trừ một vài tuyến huyện nhỏ giảm nhẹ). Nhiều tuyến khác như Hà Nội - Hải Phòng, giá vé vẫn 70.000 đồng/khách, chưa hề giảm từ đầu năm tới nay.

Với đợt giảm giá xăng dầu mới từ ngày 3/9, theo ông Nguyễn Tất Thành, các DN vẫn sẽ nghe ngóng thêm. “Nếu có giảm giá cũng mất ít nhất 1 tuần nữa các DN mới rục rịch thực hiện. Lý do, các DN nói thủ tục đăng ký giá cước còn rườm rà, phải báo cáo nhiều sở ngành, in ấn lại giá vé...”, ông Thành cho hay.

Ông Lê Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thành Bưởi, cũng cho rằng “việc giảm giá phức tạp do DN phải trình nhiều giấy tờ lên các cơ quan quản lý khác nhau”. Theo ông Thành, Thành Bưởi đã giảm giá với một số tuyến như Cần Thơ - TP.HCM giảm 5.000 đồng/khách, sắp tới một số tuyến như Bảo Lộc - TP.HCM, Đà Lạt - TP.HCM cũng sẽ tính toán giảm.

Cước taxi giảm 500-1.000 đồng/km

Cũng theo khảo sát của Báo Giao thông, tại Hà Nội, đơn vị đầu tiên đăng ký giảm giá cước là taxi Ba Sao. Ông Phan Văn Nghiêm, Phó giám đốc hãng taxi Ba Sao cho biết, mặc dù giá xăng dầu chưa giảm đến mức thấp nhất trong năm nhưng giá cước của taxi Ba Sao đã giảm bằng thời điểm giá xăng dầu thấp nhất.

Hành khánh đang mong đợi taxi giảm giá cước. - Ảnh: Giao thông

Cụ thể, công ty đã giảm 1 nghìn đồng/km từ ngày 17/8. “Nếu thời gian tới giá xăng, dầu tiếp tục giảm, hãng sẽ tiếp tục xây dựng phương án điều chỉnh giá cước”, ông Nghiêm cho hay.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT TP Cần Thơ) cho biết, đến nay, đã có 1/6 đơn vị đăng ký giảm giá cước. Đó là chi nhánh Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Cần Thơ, mức giảm trung bình 500 đồng/km. Còn loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 9/9 đơn vị chưa đăng ký giảm giá cước.

Tại TP HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, Phó TGĐ Vinasun taxi cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản đề nghị các hãng taxi tính toán giảm giá và kê khai niêm yết giá cước, mức giảm đề nghị 500 đồng/km. Riêng taxi Vinasun, ông Hỷ cho biết, từ ngày 9/9 hãng này sẽ giảm 500 đồng/km.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Truyền thông taxi Mai Linh, hãng này đang cân đối lại chi phí để điều chỉnh cước. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh tăng, giảm cước mất khoảng từ hai tuần đến một tháng vì phải chỉnh sửa nhiều thứ. Khó khăn là chi phí điều chỉnh đồng hồ, in ấn giá cước… khá lớn, khoảng từ vài tỷ đồng trở lên cho một lần điều chỉnh.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng Võ Thành Nhân cho biết cũng đã chủ trì họp và triển khai cho các thành viên thuộc Hiệp hội phải giảm giá cước./.

Ngân Chi (Tổng hợp)/ Theo Ngày nay Online