Tuy chỉ chiếm gần 20% nhưng DN FDI đã chiếm gần 47% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tuy chỉ chiếm gần 20% nhưng DN FDI đã chiếm gần 47% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện nay ngành gỗ Việt Nam có khoảng 867 DN FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Các DN FDI chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Xét về quy mô vốn đăng kí đầu tư, Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu, tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước... Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện đang có sự mất cân đối giữa DN FDI và DN nội địa trong ngành gỗ.

Cụ thể, năm 2018, trong tổng số 3.200 doanh nghiệp ngành gỗ trực tiếp có các hoạt động xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 8,47 tỷ USD. Số doanh nghiệp FDI có 529 doanh nghiệp, chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu và kim ngạch gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điều này đã cho thấy sự chênh lệch lớn giữa quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm của DN FDI và DN nội.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm gỗ 10,5 tỷ USD trong năm 2019, theo một số chuyên gia ngành gỗ, trước mắt, ngành gỗ cần kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu từ các nguồn có rủi ro cao cũng như nâng cao vai trò cạnh tranh với các DN FDI.

Theo congluan.vn