Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có công văn gửi liên bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc đề nghị bổ sung các quy định để có đủ điều kiện quản lý Thông tư 08/2015/TT-BCT ngày 27/5/2015 của Bộ Công Thương.

Cụ thể, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng hiện nay, mặt hàng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quản lý chặt vì được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Đặc biệt, đường sản xuất từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai nhập vào Việt Nam với số lượng 50.000 tấn được hưởng thuế suất 2,5% do Bộ Công Thương ban hành thông tư số 08/2015/TT-BCT ngày 27/5/2015 là một ưu đãi rất đặc biệt.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông tư số 08 nói trên đã không nêu đầy đủ các quy định để có đủ điều kiện quản lý như lâu nay Bộ Công Thương đã quản lý hạn ngạch nhập khẩu.

Do đó, Hiệp hội này đề nghị Bộ Công Thương bổ sung để tránh tạo khe hở dễ xảy ra gian lận thương mại gây thêm ảnh hưởng xấu đến sản xuất mía đường trong nước, mặc dù sự phù phép này cũng đã gây khó khăn cho tiêu thụ của đường sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các điểm cần được Bộ Công Thương bổ sung là:

Thứ nhất, chủng loại đường mà Hoàng Anh Gia Lai được nhập khẩu vào Việt Nam (số lượng đi kèm với chủng loại).

Thứ hai, thời điểm và thời hạn cuối cùng nhập lượng đường 50.000 tấn này.

Thứ 3, xác định rõ thương nhân và các điều kiện cần có để được phân giao nhập khẩu (công ty được phép nhập).

Ngoài ra, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét giá nhập khẩu trong hồ sơ nhập khẩu dùng làm căn cứ để tính thuế nhập khẩu và tham chiếu vào giá của 2 thị trường quốc tế: sàn giao dịch New York cho đường thô và sàn giao dịch London cho đường trắng để kiểm soát giá nhập khẩu nhằm tránh tình trạng thương nhân nhập khẩu có thể gian lận thuế nhập khẩu, thuế GTGT bằng hình thức giảm đơn giá đường nhập khẩu trong hồ sơ nhập khẩu.

Theo Bầu Đức nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai được tiêu thụ trong nước giá chắc chắn sẽ rẻ hơn giá đường hiện nay.

Theo Bầu Đức nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai được tiêu thụ trong nước giá chắc chắn sẽ rẻ hơn giá đường hiện nay.

"Đường của Hoàng Anh Gia Lai cũng là đường do Việt Nam sản xuất"

Trước đó, trong bài viết đăng tải trên website của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh nhiều năm qua người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới.

Nghịch lý này, theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành. 

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: "Ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, Nhà máy mía đường của Hoàng Anh – Gia Lai tại Lào là do “một doanh nghiệp Việt Nam” đầu tư, vay vốn từ ngân hàng Việt Nam, đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động của cả hai nước, trong đó đa phần các cán bộ kỹ thuật canh tác mía và vận hành nhà máy là người Việt Nam.

Có thể nói một cách hình tượng rằng cách làm của Hoàng Anh – Gia Lai thực chất chỉ là thuê đất của các bạn Lào và sản phẩm của Hoàng Anh – Gia Lai là “sản phẩm của Việt Nam”. Nhà máy đường của Hoàng Anh – Gia Lai đầu tư tại Lào thành công cũng có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam thành công và ngược lại nếu thất bại thì doanh nghiệp Việt Nam thất bại, ngân hàng Việt Nam mất tiền, người lao động Việt Nam mất việc và gánh nặng thuộc về nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc nhập khẩu đường của Hoàng Anh – Gia Lai thực chất cũng chỉ là đường do Việt Nam sản xuất".

"Ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả", Thứ trưởng viết.

Trước ý kiến của Thứ trưởng Tú, Hiệp hội Mía đường cho rằng quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chỉ là những lập luận rút ra từ “thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng tính chính xác”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một số nhà máy đường trong nước hiện có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn nhiều nhà máy đường của các nước trên thế giới kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Lào. 

Do vậy nói đến chuyện các doanh nghiệp mía đường trong nước phải học tập và cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai khi phát triển thành công mía đường tại Lào, Hiệp hội cho rằng, so sánh như vậy là thiếu cơ sở do điều kiện cơ bản của 2 đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau.

Đồng thời VSSA cũng cho rằng, không thể coi đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào giống như đường sản xuất trong nước…

Tại cuộc họp Chính phủ phiên thường kỳ tháng 3/2015, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có những trao đổi xung quanh việc cấp phép nhập khẩu cho đường được sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Câu hỏi được đặt ra cho Bộ trưởng Nên là: Hiện nay Bộ Công Thương và Hiệp hội Mía đường đang có quan điểm trái ngược nhau về việc cấp phép nhập khẩu cho đường được sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (Bộ Công Thương cho rằng ngành đường thiếu sức cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên giá thành cao, nguyên  nhân là do dựa vào bảo hộ; Hiệp hội Mía đường cho rằng chính sách xuất nhập khẩu đường có bất cập, chỉ phục vụ lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước), quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào?

Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Chính phủ luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với nước bạn Lào. Sau các thỏa thuận tại kỳ họp 37 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào tháng 1 vừa qua, hai nước đã ký Hiệp định thương mại tháng 3/2015 và đang khẩn trương tiếp tục đàm phán Hiệp định biên mậu, trong đó sẽ đề cập tới quản lý hạn ngạch nhập khẩu đường sản xuất tại Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai để phù hợp với tính chất quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Cơ chế quản lý nhập khẩu đường được thực hiện theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đường thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích người sản xuất cải tiến quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm mía đường trong nước.

"Việc nhập khẩu đường từ Lào của Công ty Hoàng Anh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án điều hành nhập khẩu đường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", người phát ngôn Chính phủ thông tin.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2015/TT-BCT (Thông tư số 08) quy định việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2015 mặt hàng đường có xuất xứ từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 1701) năm 2015 có xuất xứ từ CHDCND Lào là 50.000 tấn, thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch 2,5%.

Cụ thể, Thông tư 08 quy định, thương nhân nhập khẩu đường từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) sản xuất tại Lào và có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của CHDCND Lào cấp theo quy định được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 2,5%.

Thủ tục nhập khẩu hàng hoá giải quyết tại hải quan cửa khẩu theo quy định, không phải xin phép Bộ Công Thương và thực hiện theo nguyên tắc trừ lùi tại cơ quan hải quan cho đến hết lượng hạn ngạch thuế quan cũng được quy định tại Thông tư này.

Đối với trường hợp nhập khẩu đường ngoài số lượng hạn ngạch thuế quan quy định tại Thông tư này, thương nhân phải thực hiện các chính sách quản lý nhập khẩu và thuế nhập khẩu đường theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Thông tư yêu cầu thương nhân nhập khẩu phải báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu đường theo từng tháng trước ngày 05 của tháng kế tiếp hoặc đột xuất khi có yêu cầu, gửi về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2015./.

Hoàng Anh Gia Lai đã nhập 1.330 tấn đường

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, trong tháng 6, công ty này đã nhập 1.330 tấn đường từ Lào tương đương 803.320 USD. Lượng đường này được nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 08/2015/TT-BCT và đều được nhập khẩu qua cửa khẩu Bờ Y.

Thống kê này của doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu trong Thông tư 08, thương nhân nhập khẩu phải báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu đường theo từng tháng trước ngày 5 của tháng kế tiếp hoặc đột xuất khi có yêu cầu, gửi về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

Bá Ngôn / Theo Ngày nay Online