Trả lời báo chí về hiệu quả của chế phẩm Redoxy-3C mà Hà Nội đã sử dụng dùng làm sạch ao, hồ trên địa bàn thành phố và công nghệ Nano – Bioreactor do Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản thực hiện thí điểm trên sông Tô Lịch, ông Võ Tiến Hùng (Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết: Với chế phẩm Redoxy-3C RED hiệu quả đã được công bố từ khi thí điểm đến khi triển khai, các chỉ tiêu đều đạt chất lượng tốt.

ha noi de xuat chi 150 ti dong de dan nuoc song hong lam sach song to lich
Hai cửa xả ở phố Trích Sài (Tây Hồ) mở cửa xả nước vào sông Tô Lịch sáng 9/7. Ảnh: VnExpress

Đối với công nghệ Nano – Bioreactor, ông Hùng cho biết phía Nhật đang thử nghiệm do vậy chất lượng, giá thành chưa biết.

Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết thêm, việc cải thiện sông Tô Lịch, thành phố rất quan tâm, đó là dự án tách nước thải hiện đang triển khai. Đến 4 năm nữa sẽ xong dự án tách nước thải, xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá. Song song đó, thành phố cũng có những biện pháp trước mắt cải thiện sông Tô Lịch.

Đó là việc đồng ý cho Công ty JVE vào thử nghiệm; giao cho công ty xây dựng các phương án, trong đó có phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, xả nước ra sông Tô Lịch. Đây là dự án được nhiều người quan tâm.

“Công ty đã tổ chức các hội thảo với các chuyên gia đầu ngành đều đánh giá cao, vì để cải tạo bền vững sông Tô Lịch, sông Nhuệ thì cần có sự trao đổi nước, hồ thì phải có nước ra nước vào, sông thì phải tạo dòng chảy. Mà nguồn cung cấp nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch thì nguồn dồi dào nhất, dễ xử lý nhất là sông Hồng.

Kể cả sau khi dự án tách nước thải Yên Xá bổ cập lại nước sau xử lý chỉ tạo được dòng chảy mực nước 30-40cm, do đó việc bổ cập nước từ hồ Tây là hiệu quả nhất, vừa cải tạo được hồ Tây, vừa cải tạo được sông Tô Lịch.

Được biết, hiện dự án đang được các đơn vị chức năng khái toán, ông Hùng cho biết, dự toán tổng chi cho dự án khoảng 150 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, nếu được thành phố chấp thuận đề xuất, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông. Trước đây có đề xuất lấy nước sông Nhuệ làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên phương án này chỉ giúp cải thiện môi trường sông Tô Lịch mà không điều tiết được mực nước hồ Tây nên không tối ưu.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì).

Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả.

 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-chi-150-ti-dong-de-dan-nuoc-song-hong-lam-sach-song-to-lich-8796.html

Theo Kinh Tế Môi Trường