Dù chỉ xuất hiện trên thị trường từ năm 2013, Di động thông minh thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông Di động thông minh luôn tự hào là một trong những hệ thống bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam, và là điểm đến tin cậy của người tiêu dùng thông thái. Hiện nay, thương hiệu này đã phát triển hệ thống của mình lên tới gần 20 cửa hàng trên toàn quốc và bán cho hàng trăm nghìn khách hàng.

aa

Một cửa hàng của Di động thông minh.

Luôn nêu cao khẩu hiệu: "Với tinh thần bán hàng trung thực, hài hước; lấy 4 đối tượng: sản phẩm, khách hàng, chất lượng dịch vụ, nhân sự làm trọng tâm, chúng tôi cực kì chú trọng đến xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ chuẩn, không ngừng nâng cấp" nhưng Di động thông minh lại bán hàng như ngoài chợ…

Theo chân một khách hàng đến một cơ sở tại Hà Nội, PV nhận thấy ngoài sản phẩm chính hãng, đơn vị này còn bán một lượng không nhỏ điện thoại xách tay. Điều đáng nói là những sản phẩm này lại không thể xuất được hóa đơn nếu khách hàng có nhu cầu.

Cụ thể, nhân viên cơ sở này cho biết, nếu khách hàng có nhu cầu muốn xuất hóa đơn vì phải chịu thêm phí vì bản thân mặt hàng này được nhập lại từ thị phần “xách tay” dưới dạng người tiêu dùng.

Để thực hư câu chuyện này đi đến đâu, PV đã có mặt tại Công ty Cổ phần Viễn thông Di động thông minh có địa chỉ đăng ký số 119 phố Thái Thịnh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) để liên hệ làm việc. Tại đây, một người phụ nữ tự cho là đại diện của phía công ty sau khi xem giấy giới thiệu liền hẹn 12 ngày sau đến làm việc. Kèm theo đó là lý do: "Vì đang trong thời điểm cơ quan thuế đến kiểm tra cuối năm nên rất bận".

Thế nhưng, sau gần 2 tháng trôi qua, PV có liên hệ lại rất nhiều lần nhưng chỉ nhận được một thông tin rằng: "Để em báo cáo lên trên rồi báo lại…".

Hàng “xách tay” có dấu hiệu trốn thuế?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Sỹ Anh - Giám đốc Công ty luật L&P Consulting Law Firm.

Cũng theo luật sư Sỹ Anh, hàng di động xách tay được xem là loại hàng hóa không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không thông qua kê khai hải quan. Nói cách khác, kinh doanh “hàng di động xách tay” chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.

“Do nguồn gốc hàng hóa không được chứng minh rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi tối đa của người tiêu dùng. Họ đang vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, nó còn vi phạm Luật cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh cùng ngành hàng với nhau. Sự cạnh tranh này không lành mạnh và sẽ ảnh hưởng tới những đối thủ cạnh tranh”, luật sư Anh nói. 

Hiện nay, điện thoại di động “xách tay” vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường. Chính vì thế, cùng là một mẫu nhưng có nhiều loại hàng khác nhau, không phải máy nào cũng như nhau. 

Cũng theo tìm hiểu của PV, hàng hóa “xách tay” có 3 loại để vào được thị trường Việt Nam. Mặt hàng đầu tiên được kể đến đó là những sản phẩm mua trực tiếp từ các cửa hàng của hãng từ nước ngoài. Đây là máy do những người có người thân ở nước ngoài, người đi công tác hoặc tiếp viên hàng không xách về. Loại này không nhiều, hơn nữa giá cao, gần bằng giá hàng chính hãng trong nước nhưng hàng đảm bảo.

Ngoài ra, còn một loại mặt hàng nữa đó là những model hàng lỗi của nhà sản xuất được tuồn ra thị trường dưới dạng thanh lý và bán với giá rẻ. Loại thứ hai của loại hàng này là đồ cũ ở nước ngoài nhưng có vẫn còn khá mới, do người dùng muốn “lên đời” nên bán máy hoặc những máy trưng bày cho khách hàng test thử, sau một thời gian thì thanh lý. Mặt hàng này chiếm số lượng lớn và được gom về Việt Nam.

Cũng phải kể đến các sản phẩm "hàng dựng". Những máy này đã cũ, bị hỏng một phần, sau đó được sửa chữa, thay thế phụ kiện kém chất lượng và đánh bóng như mới rồi đưa về Việt Nam bán với giá rẻ.

Theo quan điểm của một chủ cửa hàng chuyên cung cấp điện thoại cho biết, hàng loại 1, loại 2 thì dùng khá ổn nhưng hàng loại 3 khá kém. Hàng loại 3 chủ yếu là hàng từ Trung Quốc tuồn về. Nguyên nhân là do những người buôn ở Việt Nam không có khả năng đi gom máy trên toàn thế giới, điều này chỉ có ở Trung Quốc làm được. Họ gom từ Nhật, Hàn, Sing, Úc, Mỹ, Anh… đem về Trung Quốc rồi phân loại tiếp thành loại 1, 2, 3. Mỗi lô hàng có thể lên tới hàng nghìn đến trăm nghìn chiếc.

Ai có thể đảm bảo rằng di động xách tay của Di động thông minh là hàng chính hãng, tất cả đều được mua ở các cửa hàng bên nước ngoài về? Trong khi, thị trường hàng xách tay ngày càng phát triển và lộng hành.

Như vậy, việc đơn vị di động thông minh có hành vi gian dối với người tiêu dùng hay không? Có trốn các cơ quan quản lý Nhà nước để trục lợi cá nhân hay không, bản thân đơn vị này nắm rõ nhất. Rất cần sự có mặt của cơ quan chức năng liên quan rà soát lại công ty này để nhằm tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ra Công văn số 2922/VPCP-V.I, ngày 30/3/2018 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ gửi văn bản đến 5 bộ: Tài chính, Công thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu siết chặt quản lý hàng “xách tay”. Hàng “xách tay” ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là ở các thành phố lớn.

Theo Nguyễn Chiêm - Quốc Huy/Đô Thị Mới