Hiện tượng thiên nhiên 150 năm mới có một lần

Những người yêu thiên văn sẽ được thỏa mãn ngắm nhìn ba hiện tượng hiếm gặp là siêu trăng, trăng xanh và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện vào tối nay ngày 31/1.

Vào 13h30 giờ quốc tế, tức khoảng 20h30 giờ Việt Nam ngày 31/1, trăng sẽ tròn lần thứ 2 trong tháng dương lịch (trăng xanh), nó đi đến điểm gần nhất với Trái đất trên quỹ đạo quay của Mặt trăng và sáng hơn 14% và lớn hơn 7% so với thông thường và được gọi là hiện tượng siêu trăng, sau đó đi vào vùng bóng của Trái đất (nguyệt thực toàn phần).

Vì vậy, có thể nói đêm 31/1 sẽ là một thời điểm hiếm hoi khi cùng lúc diễn ra ba hiện tượng thiên văn. NASA gọi hiện tượng hiếm này là "Super Blood Blue Moon", ghép từ tên gọi của 3 hiện tượng trên.

Theo trang EarthSky đây là lần đầu tiên trăng xanh và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện trên bầu trời kể từ tháng 3 năm 1866.

Xem trực tiếp

Những địa điểm lý tưởng để quan sát bộ ba hiện tượng thiên văn lần này nằm về phía Tây Mỹ, và một số khu vực tại Đông Nam Á, Trung Á.

Theo các chuyên gia về thiên văn, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu từ 17h51 với pha nửa tối. Sau đó, tới 18h 48 sẽ bắt đầu pha một phần. 19h 51 bắt đầu pha toàn phần. 20h29 nguyệt thực cực đại. 21h 7 kết thúc pha toàn phần. 22h 11 kết thúc pha một phần và tới 23h8 kết thúc pha nửa tối.

Với khung giờ đầy đủ và thời gian rất dài như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát từ đầu đến cuối hiện tượng siêu nhiên này tại Việt Nam.

Để quan sát nguyệt thực, bạn hãy tìm chỗ thoáng, ít ánh đèn là có thể chiêm ngưỡng toàn bộ hiện tượng thiên nhiên này. Khác với nhật thực, siêu trăng và nguyệt thực có thể nhìn bằng mắt thường mà không gây ảnh hưởng đến thị lực.

Tại TP.HCM, bạn có thể quan sát nguyệt thực toàn phần tại quán cà phê MyLife Coffee Bến Bạch Đằng, Quận 1 vào lúc 18h.

Xem trực tuyến

Nếu không ra ngoài trời, bạn hoàn toàn có thể ngắm nhìn hiện tượng siêu nhiên này qua màn hình máy tính khi truy cập các trang web sau:

Nguồn cấp dữ liệu trực tuyến của NASA TV (https://www.nasa.gov/nasalive).

Đài quan sát Griffith ở Los Angeles cũng chiếu trực tiếp vào lúc hiện tượng hiếm có này diễn ra (https://livestream.com/GriffithObservatoryTV/LunarEclipseJanuary2018).

Theo Mi Trần/Reatimes.vn