Tháng bẩy âm lịch theo dân gian gọi là tháng cô hồn nên mọi người thường kiêng làm công to việc lớn; trong đó đặc biệt là kiêng chuyện cưới hỏi và chuyển về nhà mới.

Bắt đầu từ tháng tám, tiết trời vào thu mát mẻ, khô ráo, nên việc xây dựng, mua bán nhà cửa và dọn về nhà mới đều được tiến hành khẩn trương, gấp rút để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán trong ngôi nhà khang trang, ấm áp. Theo phong tục dân gian, khi chuyển về nhà mới, dù là nhà biệt lập hay căn hộ chung cư, gia chủ đều làm lễ Nhập trạch để cầu mong mọi việc an lành, cuộc sống may mắn, tốt đẹp…

Khi chuyển về nhà mới nên làm lễ Nhập trạch.

Khi chuyển về nhà mới nên làm lễ Nhập trạch.

Trong thực tế, có người tự làm lễ, có người mời thầy về làm lễ. Theo chúng tôi, việc đó không có gì khác nhau lắm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng gia chủ tự làm lễ sẽ tốt hơn vì bày tỏ được lòng thành với thần linh và gia tiên; đồng thời chủ động được trong công việc.

Thể theo yêu cầu của nhiều gia đình, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc thủ tục tiến hành lễ nhập trạch theo nghi thức truyền thống để mọi người tham khảo.

Xem ngày và kê ban thờ: Trước tiên bạn cần nhờ người xem ngày (nhờ nhà chùa hoặc nhờ thầy) để chọn ngày giờ tốt tiến hành dọn về nhà mới. Khi chọn được ngày rồi, bạn tiến hành các công việc chuẩn bị, kể cả chuẩn bị mặt bằng, mua sắm đồ đạc và sắm đồ lễ. Đặc biệt ban thờ cần được mang vào, kê đặt trước.

Sắm lễ: Đồ lễ không cầu kỳ nhưng cần đầy đủ; bao gồm như sau:

Lễ mặn: gà, xôi, rượu; Tiền vàng; Trầu cau; Hoa: 2 bó; Quả: 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành; Gạo muối; Hương; Nến: 2 cây; Y mã phục 1 bộ gồm: 1 con ngựa, 1 bộ quần áo, 1 mũ, 1 đôi hia; tất cả đều màu đỏ.

Nếu là nhà làm lần đầu thì sắm 1 lễ cúng chúng sinh gồm: Quần áo chúng sinh: 30 bộ; Vàng hoa cho chúng sinh: 500-1.000; Cháo trắng: 1 nồi và múc ra 5 bát để cúng chúng sinh; Hoa quả: khế, chuối, mía, táo… mỗi thứ một ít; Bỏng ngô, bỏng nếp; Khoai lang, khoai sọ luộc; Kẹo dồi, bim bim, kẹo lạc;

Nếu là nhà mặt đất thì chuẩn bị nước ngũ vị để hàn long mạch. Mua một gói ngũ vị ở hàng mã, cho 2 lít nước vào nấu rồi gạn lấy nước để hàn long mạch.

Đồ dùng mang vào nhà: Ấm đun nước; Bộ ấm chén pha trà; Trà; Bếp đun đặt trước để đun nước pha trà; Xô đựng nước: 1 cái; Chổi mới: 1 cái; Gạo: 1 kg; Muối: 1 kg;

Thủ tục nhập trạch:

Đến giờ tốt: Nếu là 1 gia đình có đầy đủ vợ chồng con cái thì đầu tiên là vợ gia chủ cầm 1 cái gương tròn đem vào nhà trước (mặt gương soi vào nhà). Kế đến là gia chủ tự tay bưng bát nhang thờ Tổ Tiên vào đặt lên ban thờ. Sau đó lần lượt những người trong nhà mới đem vào: Bếp lửa (tốt nhất là bếp còn đang cháy đỏ từ nhà cũ đem tới; nếu ở thành phố phải lắp bếp ga trước thì có thể đem theo bếp ga du lịch cho tiện, nếu không thì sử dụng bếp lắp sẵn trước cũng được; không dùng bếp điện, bếp từ), chiếc chiếu hoặc đệm đang sử dụng, gạo, nước, muối, đồ tư trang quý giá…

Nếu nhà vắng đàn ông thì người mẹ bưng bát nhang thờ Tổ Tiên vào trước đặt lên ban thờ, kế đến là con cái lần lượt mang bếp, gạo, nước… vào.

Chuyển đồ đạc vào nhà trước, sắp đồ cúng sau. Không ai được đi tay không vào nhà.

Vào giờ tốt đặt lễ lên bàn thờ: Xôi gà đặt bên phải (từ ngoài nhìn vào); lễ chay bên trái.

Về vị trí bát hương, theo hướng từ dưới nhìn lên: Thần linh đặt giữa; gia tiên bên phải, bà cô (nếu có) bên trái; Y mã phục đặt trên ban thờ hoặc trên chiếc bàn trước ban thờ; Lễ chúng sinh đặt trước cửa.

Đổ đầy nước vào xô, tượng trưng cho của cải dồi dào.

Lễ cúng Nhập trạch

Lễ cúng Nhập trạch

Hành lễ:

Lần 1: Cúng Thổ công (Thần linh)

Thắp 3 nén hương: Cắm bát hương thần linh trước rồi đến gia tiên và bà cô.

Rót rượu vào 3 chén trên ban thờ (rót ít vì còn phải rót 2 lần nữa mới đầy chén).

Đọc bài khấn Thổ công (Thần linh).

Lần 2: Cúng an trạch (trường hợp xây nhà mới)

Cúng Thổ công xong thì thắp tiếp 1 nén hương, rót tiếp một ít rượu vào 3 chén; bắc bếp đun nước, pha trà, rót trà ra chén đặt dưới chiếu cúng trước ban thờ.

Đọc bài khấn an trạch.

Lần 3: Cúng gia tiên

Cúng an trạch xong thắp tiếp 1 nén hương; rót rượu đầy vào 3 chén; dâng trà lên ban thờ để cúng gia tiên.

Đọc bài khấn gia tiên.

Hàn long mạch (trong trường hợp xây nhà mới):

Nếu trường hợp xây nhà mới, cúng gia tiên xong thì thắp 1 nén hương cắm vào ca đựng nước ngũ vị đặt trước ban thờ. Khi hết hương thì lấy nước đó tưới xung quanh nhà vào chân tường phía bên ngoài để hàn long mạch. Nếu nhà liền kề thì tưới chân tường phía trong nhà cũng được nhưng phải để 1 ngày 1 đêm mới được lau; phía trước cửa thì tưới phía ngoài.

Cúng chúng sinh (trong trường hợp nhà xây mới):

Thắp 5 nén hương, múc 1 bát nước lã rồi cúng chúng sinh.

Cúng xong rắc 3 nhúm gạo và 3 nhúm muối ra trước cửa; còn lại để dùng.

Lễ cúng chúng sinh

Lễ cúng chúng sinh

Hóa vàng:

Cúng chúng sinh xong thì hóa vàng; hóa vàng trên ban thờ trước rồi hóa vàng cúng chúng sinh sau.

Lưu ý:

Sau khi cúng Thần linh, Gia tiên xong mới chính thức kê, dọn đồ đạc trong nhà. Trước đó nếu có chuyển đồ đạc vào nhà cũng chỉ là tập kết, để tạm chứ chưa kê chính thức.

Sau khi dọn nhà xong, để cầu bình an, toàn gia có thể tổ chức lễ bái tạ Thần Phật, các vị Thánh Thần và Tổ tiên.

Nếu chỉ nhập trạch lấy ngày tốt mà chưa có nhu cầu ở ngay thì gia chủ vẫn phải ngủ một đêm ở nhà mới ngay sau khi nhập trạch.

Người đang có mang thì tốt nhất không nên dọn nhà. Trong trường hợp không thể không dời nhà, nên mua một cái chổi mới tinh, để đích thân người chửa quét qua các đồ đạc một lượt rồi mới chuyển. Như vậy mới không phạm tội “Thần thai”.

Những người giúp dọn nhà không được là người cầm tinh con Hổ.

Vào giờ tốt trong ngày, gia chủ tự tay cầm tiền bạc, nữ trang, tài sản quý giá cất vào tủ hoặc két sắt.

Các bài văn khấn tham khảo

Để các gia đình có thể tự mình thực hiện lễ, chúng tôi xin giới thiệu mẫu các bài văn khấn được dùng phổ biến theo nghi lễ truyền thống gồm: Văn khấn Thần linh, Văn khấn an trạch và Văn khấn cáo yết gia tiên.

Văn khấn Thần linh

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là…………họ tên), năm sinh………

Ngụ tại (đọc địa chỉ)…………..

Hôm nay là ngày… tháng…. năm…., tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án. Trước bản tọa chư vị Tôn thần tín chủ con kính cẩn tâu trình:

Các vị Thần linh

Thông minh chính trực

Giữ ngôi tam thai

Nắm quyền tạo hóa

Thể đức hiếu sinh

Phù độ dân lành

Bảo vệ sinh linh

Nêu cao chính đạo.

Nay gia đình chúng con hoàn tất tân gia, chọn được ngày lành dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Cầu xin chư vị minh Thần cho chúng con được đến nhập vào nhà mới tại ………(địa chỉ) và lập bát nhang thờ chư vị Tôn thần. Chúng con xin phép chư vị Tôn thần cho rước vong linh Gia tiên chúng con về nơi ở mới này để thờ phụng. Chúng con cầu xin chư vị Minh thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, làm ăn tấn tới, tài lộc dồi dào, vạn sự như ý, vạn điều tốt lành.

Tín chủ lại mời các vong linh Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này, đất này xin cùng về đây chiêm ngưỡng Tôn thần, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho tín chủ con sức khỏe dồi dào, an khang, thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

Văn khấn an trạch
Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Con lạy quan Đại vương hành khiển, quan Chi thần, Tào phán quan.
Con lạy quan Nam Tào, Bắc Đẩu.
Con lạy Mẫu Thượng Thiên.
Con lạy Hội Đồng Các Quan.
Con lạy ông Thánh Hoàng làng, Thần Hoàng Bản Thổ.
Con lạy thần linh Táo Công Vua bếp.
Con lạy Quan Thần đất, Quan Thần gò.
Con lạy Quan Đại Sự Long thần Thổ thần.
Tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ...... tỉnh, ........... Quận, .... ..... phường, nhà số ......
Con là ......., tuổi .............., cùng đồng gia nhân.........
Hôm nay, ngày ........ tháng ....... năm ..... (âm lịch)
Chúng con có nén hương, hoa và lễ vật. Chúng con kính dâng lên Vua Cha, Mẫu Mẹ, Hội đồng các quan về chứng lễ để (chúng) con xin nhập trạch về nhà (hoặc trụ sở) mới được may mắn thuận lợi, quan trần hàng xóm không gây phiền hà phức tạp gì, xung quanh nước chảy một dòng, thuận trên yên dưới. Chúng con xin cầu nguyện ba tháng hè, chín tháng đông cầu được ước thấy, cầu điều lành mang đến điều dữ mang đi, cầu nhân khang vật thịnh.
Chúng con xin tiếp tài, tiếp lộc, tiếp ngân, tiếp xuyến, tiếp lộc buôn bán làm cho gia trạch (cơ quan) gia trung luôn được bình an khoẻ mạnh, ngày một tốt đẹp.
Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần).

Văn khấn cáo yết Gia tiên

Nam mô a di Đà Phật! (3 lần).

Kính lạy Tổ tiên nội ngoại họ…………

Hôm nay là ngày… tháng… năm……..

Gia đình chúng con mới dọn đến đây là: (địa chỉ) ……………………

Chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương, dâng lên trước ban thờ Cụ nội ngoại gia tiên. Nhờ hồng phúc tổ tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập (hoặc mua) được ngôi nhà (hoặc căn hộ) mới. Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường nhóm lửa, kính lễ khánh hạ.

Cúi xin các cụ, ông bà cùng chư vị Hương linh nội ngoại họ……… thương xót cho con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được bình an mạnh khỏe.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).

(Bài mang tính chất tham khảo)!

 

Theo Reatimes.vn