Bức tranh "Người bán ốc" được chốt giá 593.940 USD, còn bức tranh "Em bé cho chim ăn" (ảnh) được chốt giá 853.921 USD.

Đây không phải lần đầu tiên, những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được giao dịch quốc tế, nhưng kỷ lục mới của bức tranh “Người bán ốc” và “Em bé cho chim ăn” góp phần khẳng định uy tín tranh Việt Nam đang được nâng lên đáng kể trong mắt các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

14-22-58_em_be_cho_chim_n

Trước đây, tại Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong, những tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái… cũng đã được chốt giá khá cao. Tuy nhiên, một vấn nạn mà giới mỹ thuật Việt Nam luôn phải đối mặt là tình trạng tranh giả.

Do chưa có những nhà môi giới chuyên nghiệp, tác phẩm hội họa từ Việt Nam luôn phải trông cậy vào đánh giá của những nhà môi giới trung gian. Vấn nạn tranh giả và tranh nhái suốt một giai đoạn đã làm nhiễu loạn thị trường tranh Việt Nam và tạo ra không ít thị phi trên những sàn đấu giá công khai.

Nhiều họa sĩ Việt Nam đã làm giả tranh của các bậc tiền bối và làm giả tranh của… chính mình. Vì vậy, những nhà sưu tập quốc tế đã hình thành tâm lý e dè khi mua trực tiếp tác phẩm từ Việt Nam.

Sau Nhà đấu giá Christie's Hongkong và Nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong ủng hộ tranh Việt Nam, dù không tổ chức đình đám, nhưng Shapiro cũng đã bán bức tranh “Portrait of a Young Lady” (vẽ năm1971, màu nước trên giấy, kích thước 59 x 44cm) của họa sĩ Nguyễn Sáng với giá 30.000 USD (bao gồm cả thuế và chi phí). Sắp tới, Shapiro cũng đưa ra giao dịch hai tác phẩm ít được nhắc đến của họa sĩ Lê Phổ với mức khởi điểm khá cao.

Bức tranh "Một tách trà" (Une tasse de thé, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 36cm x 29cm, sáng tác vào khoảng 1938 - 1940) dự kiến bán được với giá 320.143 USD.

Còn bức tranh "Nhà tắm" (La Toilette, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 31cm x 23cm, 1942) dự kiến bán được với giá 281.726 USD. Tuy nhiên, với tên tuổi của họa sĩ Lê Phổ thì mức chốt giá chắc chắn sẽ cao hơn mức dự kiến mà sàn giao dịch đưa ra.

Giá tranh Việt Nam đang được đẩy lên, sau khi nhiều nhà sưu tập trong nước ý thức được tính pháp lý và tính lịch sử của mỗi bức tranh khi đưa ra giao dịch quốc tế. Sự cẩn trọng ấy giúp những nhà đấu giá tự tin về giá tranh Việt Nam để công khai niêm yết mức khởi điểm và tạo hứng thú cho những khách hàng khắp nơi.

Theo nongnghiep.vn