Mới đây, thông tin khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam (thuộc Tập đoàn CEN Group) đã được sếp bắt nhịp hát bài “Cen ca” được chế lời phản cảm từ bài "Quốc ca" khiến dư luận bức xúc.

Đây là hoạt động trong chương trình kỷ niệm 13 năm thành lập công ty được tổ chức tại khu du lịch Bình Quới quận 1 (TP HCM). Không chỉ thay đổi lời bài hát Quốc ca, mà đơn vị này còn tập dượt và hát lại nhiều lần ca khúc chế lời phản cảm tại nơi đông người qua lại.

Tập đoàn CEN Group là một doanh nghiệp bất động sản với nhiều hoạt động như: Niêm yết & Quảng cáo Bất động sản; Tư vấn đầu tư Bất động sản; Môi giới Bất động sản; Đào tạo chuyên ngành Bất động sản; Định giá tài sản, giá trị doanh nghiệp và Bất động sản; Sàn giao dịch Bất động sản; Quản lý, đầu tư & khai thác Bất động sản; Lên kế hoạch Marketing, truyền thông dự án BĐS...

Theo thông tin trên website của tập đoàn này, hiện CEN Group đã có 7 công ty thành viên, trong đó có thành viên mới nhất là Công ty Cổ phần dịch vụ gia tăng BĐS Thế Kỷ - CENPLUS. Các công ty thành viên có ở Hà Nội và TP HCM. 

Hàng trăm nhân viên kinh doanh của hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA chi nhánh phía nam - thuộc CEN Group xếp hàng hát

Hàng trăm nhân viên kinh doanh của hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA chi nhánh phía nam - thuộc CEN Group xếp hàng hát "Cen ca".

 

Hiện nay CEN Group có hệ thống Sàn giao dịch BĐS- Siêu thị dự án Bất động sản STDA - một mô hình sàn giao dịch đặc thù, chuyên giao dịch các sản phẩm dự án BĐS lần đầu chào bán ra thị trường.

Trong đó, chi nhánh ở miền Nam – chi nhánh đang dính “phốt” chế bài hát Quốc ca một cách phản cảm - được thành lập năm 2014. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ BĐS như niêm yết, môi giới, dịch vụ sàn giao dịch, truyền thông quảng cáo, các dịch vụ định giá, tư vấn đào tạo về BĐS… STDA chi nhánh miền nam phụ trách kênh thông tin thị trường hai chiều, cập nhật thông tin cho khách hàng, các nhà đầu tư cá nhân và chủ đầu tư tại miền Nam.

Không chỉ dính “phốt” hát nhạc chế phản cảm, CEN Group cũng nhiều lần vướng tai tiếng trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, theo thông tin trên báo Giáo dục Việt Nam, năm 2013, trụ sở của CEN Group, 137 Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) đã bị khách hàng tố lừa đảo trong việc huy động và chiếm dụng vốn tại Dự án chung cư Binh đoàn 12 (xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) qua Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ.

Khách hàng tới trước trụ sở chính của CEN Group để biểu tình đòi chủ đầu tư trả lại tiền. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Khách hàng tới trước trụ sở chính của CEN Group để biểu tình đòi chủ đầu tư trả lại tiền. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, các khách hàng khi mua căn hộ của Binh đoàn 12 đều phải làm một hợp đồng vay vốn với Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ, thuộc Cen Group, do bà Trần Thị Thanh Bình làm Giám đốc.

Thế nhưng, sau một thời gian dài, dự án Chung cư binh đoàn 12 vẫn là một mảnh đất hoang, một dự án "bánh vẽ" thì người dân mới tá hỏa, song không biết phải đòi tiền ở đâu? Trong sự việc này, CEN Group lên tiếng phủ nhận liên quan đến dự án này và công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế kỷ.

Trước đó, đơn vị này cũng bị tố gây khó cho khách hàng trong việc rút vốn tại Dự án MeKông Plaza tại Khu đô thị Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức), do dự án này không hề được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, những khiếu nại của khách hàng đã bị CenGroup phủ nhận vì cho rằng, Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ có pháp nhân riêng và không thuộc CenGroup.

Mặc dù CenGroup ra sức chứng minh “vô can”, thậm chí còn xúi khách hàng kiện Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ, song sự gần gũi về thương hiệu, văn phòng làm việc, đặc biệt là quan hệ vợ - chồng giữa đại diện pháp nhân 2 công ty này vẫn khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Có hay không việc CenGroup đã “phủi” hết trách nhiệm tại các dự án này qua “công ty con”?

Theo Đầu tư chứng khoán, ngoài các dự án tai tiếng trên, CenGroup còn là đại diện phân phối của hàng loạt dự án dính tai tiếng trong năm 2013 như Dự án 52 Lĩnh Nam, Dự án CT2 Tân Tây Đô, Văn Phú Victoria….

Trong khi Dự án 52 Lĩnh Nam đã xong phần thô, chủ đầu tư hết tiền triển khai nên “đắp chiếu”, thì Dự án CT2 Tân Tây Đô cũng là dự án “chết đi sống lại”. Và dù được quảng cáo sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhiều khách hàng vẫn rất nghi ngại việc chủ đầu tư dự án này là CTCP Hải Phát đang trong cảnh “cháy túi”, liên tục phải lùi thời hạn bàn giao nhà tại một dự án khác là The Pride (quận Hà Đông), thì lấy đâu ra tiền để đẩy nhanh Dự án CT2 Tân Tây Đô.

Trong khi đó, không phải là một dự án đình đám tại thời điểm mở bán, song Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) vẫn khiến nhiều nhà đầu tư và người có nhu cầu chấp nhận mất tiền chênh từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi căn hộ để mua nhà.

Một trong những nguyên nhân khiến căn hộ Văn Phú Victoria thu hút được sự quan tâm của khách hàng khi ấy vì các “chiêu” kích giá của các đơn vị thứ cấp.

Phần lớn căn hộ dự án này đã được “chia năm xẻ bảy”, bán lại cho hàng loạt đơn vị thứ cấp như Tập đoàn CenGroup, CTCP Đầu tư xây dựng bất động sản Landmark, Tập đoàn Đông Thiên Phú… Các đơn vị thứ cấp này sau đó tung nhiều chiêu nâng giá bán để kiếm tiền chênh.

Dù bán căn hộ và thu phần lớn tiền của khách hàng, nhưng đơn vị thứ cấp lại không nộp đủ cho chủ đầu tư khiến tranh chấp tại Dự án Văn Phú Victoria bùng phát.

Tranh chấp căng thẳng đến nỗi, trong năm 2013, chủ đầu tư Văn Phú Invest đã không dưới một lần phải ra văn bản đình chỉ hợp đồng với một số đơn vị thứ cấp vì không chịu nộp tiền.

Việc đình chỉ hợp đồng với đơn vị thứ cấp của chủ đầu tư khiến khách mua nhà đã nộp cho các đơn vị thứ cấp số tiền lên đến 70 - 90% giá trị căn hộ đối diện nguy cơ trắng tay, vì hợp đồng mua nhà bỗng dưng không có giá trị. Song việc đòi quyền lợi của khách hàng qua các đơn vị thứ cấp trên đã bị các đơn vị này chây ì và phủi tay. Thậm chí, một đại diện của Tập đoàn Đông Thiên Phú còn thách thức khách mua nhà khởi kiện.

Quá thất vọng và không còn niềm tin với nhà đầu tư thứ cấp, mới đây, nhiều khách hàng Văn Phú Victoria đã chấp nhận thiệt thòi để chuyển sang ký hợp đồng trực tiếp với chủ dự án, nhằm bảo đảm được quyền lợi mua nhà tốt hơn./.

Trước đó, như đã thông tin, chiều 15/10, khoảng 500 nhân viên thuộc hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA khu vực phía Nam có mặt tại khu du lịch Bình Quới 1 để dự lễ kỷ niệm 13 năm thành lập.

Đến 13h30, hàng trăm nhân viên dưới phần lĩnh xướng của ông Trần Minh Long - Tổng giám đốc phía Nam đã hát bài “Cen ca” trên nền nhạc Quốc ca.

Nội dung bài hát chế lời rất tùy tiện và phản cảm. Điển hình là đoạn “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc" được sửa thành “Đoàn quân nhà Cen đi/Chung lòng chốt chốt” (thể hiện quyết tâm chốt hợp đồng giao dịch)…

Các đoạn bị sửa tùy tiện khác như: Lòng ta vững chí ra biển lớn/Sóng dù to ta cũng sẽ vượt qua/Mười ba năm quyết chí không ngừng/Biết bao nhiêu anh tài/Tiến lên/Cùng tiến lên/Chúc cho nhà CEN ta/Vững bền!

Điều đáng nói, việc hát lời bài hát giữa nơi công cộng của lãnh đạo và nhân viên hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA đã gây bất bình cho người chứng kiến và dư luận xã hội.

Ngay sau khi nhận được phản ảnh, ngày 19/10, cán bộ điều tra thuộc cơ quan an ninh điều tra (Công an TP.HCM) đã tiếp xúc với PV để xác minh nội dung, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc.

Dự kiến trong tuần này, cơ quan an ninh sẽ mời lãnh đạo hệ thống siêu thị dự án bất động sản STDA (đơn vị tổ chức) hát lên truy hỏi nhằm xác định nguồn gốc cũng như tác giả của bài hát "chế" để có cơ sở xử lý.

Theo thông tin trên tờ VietNamNet, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 13 năm thành lập, trước đó vài ngày nhân viên hệ thống siêu thị này đã nhận được mail nội bộ, yêu cầu học thuộc lòng bài “Cen ca” - dự kiến sẽ được hát trong lễ kỷ niệm.

Thậm chí trước giờ khai mạc chương trình, bài hát này còn được tập dượt nhiều lần trước khi được hát chính thức lúc 13h30 ngày 15/10.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Theo Quý Dương (Tổng hợp) / Gia đình Việt Nam