Chiều 8/11, bên hành lang cuộc thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc gần 1.000 cán bộ Bộ Y tế phải thuê đường vào cơ quan suốt 5 năm qua là không thể chấp nhận được.

Ông Trí cho rằng, vấn đề không chỉ dừng ở việc mỗi tháng các cơ quan của Bộ Y tế phải chi 10 triệu đồng để thuê đường vào cơ quan mà mấu chốt là ở chỗ pháp luật không được thực thi một cách nghiêm túc.

Ông Trí tỏ ra bất ngờ khi biết đoạn đường mà ông đã từng nhiều lần tới Tổng cục DS-KHHGĐ và 2 Cục khác của Bộ Y tế là đường được các cơ quan này thuê đơn vị bên cạnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc 1.000 cán bộ Bộ Y tế phải thuê đường vào cơ quan suốt 5 năm là không thể chấp nhận được.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc 1.000 cán bộ Bộ Y tế phải thuê đường vào cơ quan suốt 5 năm là không thể chấp nhận được.

Ông hướng dẫn cho phóng viên Báo Gia đình và Xã hội gửi kiến nghị, hồ sơ tới Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tới Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải để các đơn vị, lãnh đạo này chỉ đạo UBND TP Hà Nội vào cuộc giải quyết.

Ông Trí cũng đặt câu hỏi: "Tại sao lại như thế?" khi được phóng viên Báo Gia đình và Xã hội cung cấp thông tin về việc các đơn vị của Bộ Y tế liên tiếp kiến nghị trong nhiều năm liền nhưng không được UBND TP Hà Nội giải quyết.

Trong đó có việc năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiến nghị trực tiếp tới ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội các vấn đề trong đó có việc bố trí đường vào cho Tổng cục DS-KHHGĐ nhưng đến nay sự việc vẫn không được lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Trước đó, như thông tin hàng loạt cơ quan báo chí đã đưa, 5 năm qua, để có đường vào cho cán bộ, ngoài việc đi thuê đường thì nhiều lần Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc đã gửi văn bản kiến nghị tới cơ quan chức năng TP Hà Nội.

Cũng trong ngần ấy thời gian, chính quyền TP. Hà Nội luôn im lặng và không hề có động thái mở đường cho tòa nhà Tổng cục Dân số - KHHGĐ.

Năm 2008, dự án xây dựng toà nhà Tổng cục Dân số - KHHGĐ được triển khai tại KĐT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Năm 2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính với UBND TP Hà Nội số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Nhận tiền xong, đến gần 9 năm sau, đơn vị đóng tiền vẫn không được đầu tư đường vào.

Đoạn đường ngắn nhưng là minh chứng hùng hồn cho sự chậm chạm xử lý của UBND TP Hà Nội.

Đoạn đường ngắn nhưng là minh chứng hùng hồn cho sự chậm chạm xử lý của UBND TP Hà Nội.

Để có đường cho cán bộ vào cơ quan làm việc, ngày 4/7/2013, ông Hồ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã ký công văn số 429/TCDS-VP gửi UBND quận Cầu Giấy, Ban quản lý Dự án quận Cầu Giấy đề nghị các đơn vị này thực hiện đầu tư hạ tầng, đường vào tòa nhà.

Văn bản gửi đi nhưng Tổng cục DS-KHHGĐ vẫn không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trước đó, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phải gửi văn bản cho đơn vị kế bên để “xin” cho cán bộ, nhân viên đi nhờ qua đường nội bộ.

Đến năm 2015, 2 năm sau khi tòa nhà đi vào vận hành, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã gửi văn bản số 5643/BYT-VPB1 gửi Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội với nội dung đề nghị TP Hà Nội bố trí lịch họp với lãnh đạo Bộ Y tế để giải quyết vấn đề đường vào nêu trên. Tuy nhiên, đường vẫn không được Hà Nội đầu tư.

Tiếp đó, ngày 22/11/2016, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc triển khai công tác y tế trên địa bàn thành phố.

Trong các nội dung đề nghị của Bộ Y tế tới UBND TP Hà Nội có ghi: “Bố trí đường ra vào cho các đơn vị thuộc Bộ Y tế tại trụ sở của Tổng cục DS-KHHGĐ, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm để Bộ Y tế triển khai các hoạt động đảm bảo đúng tiến độ”.

Sau đó, ngày 13/7/2017, tại trụ sở của Tổng cục DS-KHHGĐ, đại diện các đơn vị liên quan trong đó có lãnh đạo UBND, Ban quản lý dự án 2 quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm đã họp, thống nhất ủng hộ tiếp tục triển khai dự án đường vào nêu trên.

Ngày 6/9/2017, UBND quận Cầu Giấy gửi công văn số 307/BC-UBND tới UBND thành phố Hà Nội báo cáo về việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng và đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D20 – Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Văn bản này đưa ra thực trạng đầu tư chưa đồng bộ, hoàn thiện khiến các cơ quan nhà nước không có đường vào. Tuy nhiên, kiến nghị của UBND quận Cầu Giấy cũng không được UBND TP Hà Nội phúc đáp.

Từ các dữ liệu nêu trên cho thấy, dù đã có hàng loạt văn bản kiến nghị từ Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, UBND quận Cầu Giấy nhưng UBND TP Hà Nội vẫn "làm ngơ". Hàng ngày, gần 1.000 cán bộ Bộ Y tế vẫn phải đi thuê đường vào cơ quan để thực thi công vụ.

Thực trạng "trái khoáy" này đã và sẽ tồn tại ở Thủ đô đến khi nào thì vẫn chưa có lời đáp vì Hà Nội vẫn chưa có động thái cụ thể nào nhằm giải quyết dứt điểm sự vụ.

Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Minh Anh

Theo Giadinh.net.vn