Nhãn chín muộn của Hà Nội cho thu hoạch rộ từ ngày 20-8 đến khoảng 25-9. Năm nay, sản lượng nhãn chín muộn đạt hơn 10.000 tấn, cao hơn năm ngoái. Để tránh tình trạng “được mùa - mất giá” và hỗ trợ các nhà vườn khâu tiêu thụ, các cơ quan chức năng của thành phố đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối thị trường...
Chủ tịch UBND xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Lý Đình Quang khẳng định: Vụ nhãn chín muộn năm 2020, người trồng nhãn trên địa bàn xã Đại Thành được mùa. Hiện, toàn xã có 115ha nhãn chín muộn, ước tính sản lượng đạt 2.500 tấn. Những năm qua, được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai cùng Sở NN&PTNT Hà Nội trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng nhãn chín muộn nâng lên rõ rệt.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - hộ trồng khoảng 1,1ha nhãn chín muộn ở xã Đại Thành, năm nay, nhãn chín muộn cho thu hoạch sớm hơn năm ngoái, năng suất khoảng 20 tấn/ha. Tuy nhiên, mức giá đầu vụ thấp hơn 20% so với năm 2019, người trồng không lãi nhiều. Hiện, chưa có doanh nghiệp đặt vấn đề xuất khẩu mà chủ yếu bán cho thương lái. Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhãn chín muộn ở Đại Thành sẽ khó khăn đầu ra.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bảy, chủ vườn nhãn hơn 1ha tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho hay: "Nhãn chín muộn đầu vụ loại 1 đang bán tại vườn chỉ 20.000 đồng/kg. Lợi thế của nhãn chín muộn có độ ngọt sắc, cùi dày, thơm ngon, hạt nhỏ nên được nhiều người ưa thích. Hơn nữa, thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà nên chúng tôi đang kỳ vọng sau vài tuần nữa, khi nhãn chính vụ tiêu thụ hết, nhãn chín muộn của Hà Nội sẽ bán được giá như niên vụ 2019...".
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, nhãn là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. Hiện, toàn thành phố có 1.980ha (tăng 258ha so với năm 2017), sản lượng ước đạt 21.600 tấn (tăng 8.446 tấn so với năm 2017). Riêng diện tích nhãn chín muộn (HTM1, HTM2) hơn 650ha, năng suất 19-20 tấn/ha. Phần lớn nhãn chín muộn của Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi. Trong đó, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích tiêu thụ 30-40%, số còn lại do thương lái thu mua.
Về sản phẩm này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Những năm trước, nhãn chín muộn của Hà Nội xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU... Năm nay, người dân kỳ vọng xuất khẩu được nhiều hơn nhưng do diễn biến dịch Covid-19 khiến nhiều người lo lắng đầu ra không thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội mời các doanh nghiệp tới từng vườn nhãn đánh giá chất lượng quả; đồng thời, tạo diễn đàn gặp gỡ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các hợp tác xã, bàn giải pháp xúc tiến thương mại. Bước đầu, đã kết nối một số doanh nghiệp như Công ty CP Quốc tế Bamboo, Công ty Ameii Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath... với nông dân (đại diện ký kết hợp đồng là Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành, huyện Quốc Oai) đưa sản phẩm nhãn chín muộn vào chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các website, truyền thông... để mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu... "Thời điểm này, nhãn chín muộn của Hà Nội chưa rộ, các nhà vườn không nên quá lo lắng đầu ra. Trước mắt, cùng với làm tốt khâu kết nối tiêu thụ, cần lựa chọn đơn vị bao tiêu sản phẩm có uy tín với mức giá ổn định, tránh tình trạng bán tháo do ảnh hưởng từ những tin đồn vô căn cứ..." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khuyến cáo.