Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên. - tăng hơn 500.000 về số lượng so với năm học trước. Cụ thể các bậc học như sau: Giáo dục Mầm non: 5.517.000 trong đó: Nhà trẻ - 932.000; Mẫu giáo: 4.585.000 học sinh.

Giáo dục phổ thông: 17.055.000 (cấp Tiểu học: 8.660.000, Trung học cơ sở: 5.550.000, Trung học phổ thông: 2.599.000 học sinh). Đại học (chính quy): 1.518.986 sinh viên.

Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Trước đó, Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019-2020. Theo đó, tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 05 tháng 9 năm 2019. Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.

Theo Báo Công lý