Nước mắm đã quá quen thuộc với bữa ăn gia đình Việt nên gọi nước mắm là một mặt hàng thiết yếu cũng không phải là quá. Đã là thiết yếu thì rất khó thiếu ở mỗi gia đình.

Vì là món gia vị dùng hàng ngày, mức độ quan tâm của người dùng đối với sản phẩm nước mắm là rất cao. Vậy nên, chiều ngày 17/10, sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc, nhiều người tiêu dùng đã thực sự sốc và hoang mang.

Nếu thực sự đến 67% nước mắm trên thị trường không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) tổng theo quy định của Bộ y tế thì lâu nay người dùng đã ăn gì? Nguy hại ra sao đến sức khỏe?

Có người lại bán tín bán nghi, khi mua họ đã chọn nước mắm của thương hiệu uy tín trên thị trường, không biết đồng tiền lâu nay chi ra có đáng đồng tiền bát gạo không hay lại rước hại vào thân.

Lo ngại hơn nữa là câu nói lấp lửng của bên công bố: “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” nhưng rồi lại có câu “nước mắm vẫn an toàn”. Nước mắm là an toàn hay nước mắm là không an toàn khi có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định?

Nếu là an toàn, gây ra sự hoang mang với thạch tín vượt ngưỡng nhiều lần để làm gì? Người dùng cũng không nhận được khuyến nghị đừng nên dùng nước mắm hay tạm dừng ăn chờ kết luận hay cứ ăn dù các hàm lượng chất nọ kia có vượt quy định nhiều lần thì vẫn an toàn.

“88 thương hiệu nước mắm được khảo sát, có tất cả các thương hiệu trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng”, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nói với báo chí bên lề cuộc họp Công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc chiều 17/10.

Nhưng, là thương hiệu nào vượt ngưỡng thì cơ quan này bí mật không thể “bật mí” vì… “Mục đích của khảo sát lần này của chúng tôi là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm!”.

Có lẽ, khi đứng ra khảo sát với mong muốn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam như đúng tên gọi của hội thì hội này “quên” mất rằng cùng với những thông tin nửa đóng, nửa mở, người tiêu dùng còn hoang mang hơn. Nhãn hiệu nào là an toàn? Người dùng không biết. Nhãn hiệu nào không đạt tiêu chuẩn? Người dùng cũng không hề hay.

Người tiêu dùng vừa ăn vừa hoang mang, doanh nghiệp lo mất ngàn tỷ doanh thu sau kết luận gây sốc về thạch tín trong nước mắm?

Người tiêu dùng vừa ăn vừa hoang mang, doanh nghiệp lo mất ngàn tỷ doanh thu sau kết luận gây sốc về thạch tín trong nước mắm? (Hình minh họa)

Hay thôi, không ăn nước mắm nữa?

Người dùng hoang mang là một, doanh nghiệp sản xuất nước mắm, nhất là doanh nghiệp sản xuất nước mắm uy tín, chắc cũng đang đứng ngồi không yên. Hàng ngàn tỷ đồng doanh thu có thể sẽ vuột ra khỏi tay họ sau công bố lập lờ này.

Con số 67% nước mắm trên thị trường không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) gây hoang mang kia quá lớn. Dù muốn hay không, dù sản phẩm của họ có tốt đến mấy chăng nữa thì tai bay, vạ gió là điều khó tránh khỏi.

Công lao xây dựng thương hiệu mấy mươi năm trời có thể chỉ vì một lời phán ngang, phán lấp lửng kia mà bay đi ngàn tỷ doanh thu.

Biết kiện ai để đòi lẽ công bằng khi tên doanh nghiệp không hề “bị” nhắc đến? Doanh nghiệp đâu trực tiếp là bị hại? Chỉ có nước mắm-một mặt hàng không của riêng ai- là bị hại mà nước mắm thì không thể tự mình minh oan!

Một số ít người tiêu dùng vững ý chí có thể lập luận đây là một đợt khảo sát mà khảo sát thì cách chọn mẫu, phương pháp khảo sát, tiêu chí khảo sát…là những điều ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả. Có những bản khảo sát có kết quả khác rất xa so với thực tế và so với kết quả khảo sát của đơn vị khác.

Có chăng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần rõ ràng hơn vì chính người tiêu dùng và vì quyền lợi của doanh nghiệp ngành nước mắm?

Theo CafeF