Chùa Ba Vàng, TP Uông Bí, Quảng Ninh đã chính thức Khai hội xuân 2019. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân, du khách thập phương cùng các Tăng, Ni, Phật tử đã có mặt tại chùa Ba Vàng để du xuân, chiêm bái cầu bình an. Các tuyến đường dẫn lên chùa dòng người tấp nập. Một điều dễ nhận thấy tại đây là không có khung cảnh chen lấn, hay vội vã xô bồ như các lễ hội khai xuân tại nhiều nơi khác.

khong co hanh vi cheo keo khach di le
Lễ hội Xuân chùa Ba Vàng 2019

Nói về những điểm mới so với mọi năm của lễ hội chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng cho biết, các phật tử, du khách về dự lễ đều được phục vụ cơm chay miễn phí. Đặc biệt, không có bất kỳ hoạt động kinh doanh buôn bán nào trong lễ hội... Nhiều du khách tới chùa Ba Vàng đều có cảm nhận phấn khởi, thư thái khi đi dự lễ hội, không phải chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy, hay tranh cướp lộc.

Anh Nguyễn Phong, một du khách ở Hà Nội cho biết, vừa nghỉ Tết xong, anh và gia đình đã đi lễ ở khá nhiều nơi, như các đền, chùa ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, anh Nguyễn Lê đã đi lễ chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông, chùa Ba Vàng và điều đáng nói là tại các đền, chùa này đã khiến anh Lê khá hài lòng về cách tổ chức và phục vụ.

khong co hanh vi cheo keo khach di le

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đông đảo khách thập phương làm lễ Khai hội

"Hôm nay, về khai hội xuân tại chùa Ba Vàng, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều du khách đều được gửi xe miễn phí. Nhân viên phục vụ rất lịch sự, nhã nhặn nhưng cũng rất cương quyết với những xe để không đúng nơi quy định. Đặc biệt, chúng tôi muốn ăn cơm chay, chỉ cần đăng ký trước để nhà chùa sắp xếp là sẽ được phục vụ miễn phí. Những chi tiết nhỏ nhất như việc phục vụ túi nylon cho khách bỏ giày, dép vào khi đi vào chùa cũng khiến tôi cảm thấy hoan hỉ trong ngày đầu xuân khi tới đây." Anh Phong chia sẻ.

Anh Nguyễn Phong cho biết thêm, ở chùa Ba Vàng, không có cảnh mua bán, chèo kéo khách đi lễ bái, du xuân. Nơi vệ sinh công cộng cũng rất sạch sẽ, đây là điều ít thấy ở các lễ hội khác.

Được biết, chùa Ba Vàng có tên là Bảo Quang Tự, cao 340m so với mực nước biển, được xây năm Ất Dậu, triều Lê Dụ Tông vào năm 1706. Bia đá nơi đây còn lưu dấu vị thiền tổ khai sáng chùa là Đại Thiền Sư thuộc hệ Trúc lâmYên Tử, tên ngài là Mahasamôn - Tuệ Bích Phổ Giác.

khong co hanh vi cheo keo khach di le
Du khách về dự Lễ khai hội

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, biến động của thời gian cũng như sự huỷ hoại của thiên nhiên, chùa gốc hiện không còn. Năm 1988, chùa được trùng tu tôn tạo bằng gỗ. Đến năm 1993 chùa được xây dựng lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Đầu năm 2014, Chùa Ba Vàng khánh thành Ngôi Đại hùng bảo điện và trở thành ngôi chùa có chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hoá nghệ thuật với những di vật được tìm thấy bằng đá, gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XIII, XIV.

Từ năm 2015, lễ khai hội Chùa Ba Vàng được tổ chức thường niên vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch. Ngay sau tiếng trống khai hội, các đại biểu và tăng ni, phật tử đã cùng tham dự lễ dâng hương cầu quốc thái dân an. Lễ hội xuân chùa Ba Vàng sẽ diễn ra đến hết tháng 1 âm lịch để cho du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái.

Hiện nay, chùa Ba Vàng được biết đến với hai kỷ lục xác lập: Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Đông Dương và ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất.

 

Theo phapluatxahoi.vn