Kỳ 9: TPCN xương khớp không nằm ngoài chiêu thức “ăn điêu nói quá”

Thực phẩm chức năng (TPCN) đã không còn là một khái niệm xa lạ trong xã hội hiện đại. Khi điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người cũng gia tăng. Ngày càng có nhiều người tìm đến với các sản phẩm TPCN để bổ sung các dưỡng chất tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người vẫn còn nhầm tưởng TPCN là thuốc và có tác dụng như thuốc chữa bệnh, mặc các khuyến cáo liên quan mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành. 

Vượt qua cái tên "thực phẩm", nhiều người đang tìm đến TPCN với mong muốn chữa được bệnh, thậm chí là bệnh nan y càng khiến các sản phẩm này nở rộ, mọc lên như nấm. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có hơn 21% dân số đang sử dụng TPCN, tương đương hơn 20 triệu người ở khắp 63 tỉnh thành. Thị trường khổng lồ này là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị sản xuất TPCN, chính vì vậy không ít đơn vị đã không từ các "thủ đoạn" để quảng cáo, tâng bốc các công dụng của TPCN, cố tình "đánh lận con đen" để người tiêu dùng hiểu lầm. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, trên tinh thần nghiên cứu, chúng tôi khởi đăng tuyến bài: Thị trường thực phẩm chức năng: Phức tạp như "ma trận". 

Xin mời quý độc giả đón đọc bài viết Kỳ 9: Thực phẩm chức năng xương khớp - không nằm ngoài quy luật "ăn điêu nói quá" 

 

Giống như các TPCN khác, nhóm TPCN hỗ trợ các bệnh lý về xương khớp cũng “tung hoành” trên thị trường bao lâu nay với những quảng cáo được thổi phồng, bủa vây người tiêu dùng theo cách gọi là “thần dược” chữa bách bệnh.

*****

ĐA DẠNG CÁC LOẠI TPCN BỆNH XƯƠNG KHỚP

Thị trường TPCN nhiều năm trở lại đây nở rộ hơn bao giờ hết, đa chủng loại, đa hình dạng, đa thành phần và cả “đa năng” trong “chữa bệnh”. Từ khi ra đời đến nay, những con số "biết nói" về TPCN đáng để nhiều người phải suy nghẫm.

Theo ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN. Số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất, kinh doanh TPCN. Số lượng sản phẩm được lưu hành lên tới hơn 10.930 sản phẩm.

“Những năm 2000, thị trường phân phối TPCN của nước ta khá hạn hẹp. Hầu hết người dùng sản phẩm đều tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Số lượng người sử dụng sản phẩm ước tính khoảng 500.000 người. Nhưng đến năm 2019, lượng người sử dụng TPCN đã tăng lên chóng mặt với hơn 20 triệu người, chiếm tới 21% dân số Việt Nam và phân bố ở khắp các tỉnh thành trên cả nước”.

Qua đó để thấy, thị trường TPCN tại Việt Nam đang được mở rộng nhanh chóng với sức tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Đây chính là một mảnh đất màu mỡ mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn nhảy vào xí phần. Chính sự cạnh tranh khốc liệt và nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng, đa chủng loại TPCN cứ thế nở rộ.

TPCN

Một trong số các loại TPCN hiện đang được nhiều người Việt quan tâm và sử dụng là nhóm TPCN bệnh xương khớp. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chất lượng cuộc sống của người Việt đang cải thiện từng ngày, tỷ lệ già hóa dân số của nước ta ngày càng cao. Trong khi đó, người già lại là đối tượng lớn mắc nhiều những vấn đề về xương khớp. Nắm bắt được tâm lý này, dòng TPCN được quảng cáo với công dụng tốt cho xương khớp, điều trị các triệu chứng về xương khớp của nhà sản xuất trong nước cũng như ngoài nước được quảng bá, rao bán rầm rộ.

Chưa kể đến những TPCN chưa được Bộ Y tế kiểm định thì số lượng TPCN xương khớp qua kiểm định cũng đã là một con số khủng.

Chỉ trong vòng 0,57 giây, kết quả tìm kiếm trên Google với cụm từ “Thực phẩm chức năng xương khớp” đã trả về khoảng 14 triệu kết quả là các quảng cáo về nhóm thực phẩm này. Đây là một con số khủng “biết nói”, thể hiện rõ số lượng lớn các quảng cáo về TPCN hiện nay. Nào là Cốt Thoái Vương, Hoàng Thấp Linh, Cốt Bình An, xương khớp Mộc Thanh, viên khớp An Bình, Tâm Bình, An Việt hay Viên xương khớp Cây đa, Canxi Herbalife,… Thật không quá khi nói rằng: “Chỉ sợ bạn không có bệnh, chứ không sợ thiếu TPCN”.

ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM, LỪA NGƯỜI BỆNH BẰNG NHIỀU CHIÊU THỨC QUẢNG CÁO

Thông tư về Quản lý Thực phẩm chức năng số 43/ 2014/ TT-BYT quy định: TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Riêng nhóm TPCN xương khớp sẽ có công dụng hỗ trợ các bộ phận xương khớp trong cơ thể nhằm linh hoạt, giảm bớt đau mỏi. Thế nhưng, hầu hết nhóm TPCN xương khớp lại sử dụng chiêu thức quảng cáo “ăn điêu nói quá”, thổi phồng lên công dụng của sản phẩm. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã mượn chiêu thức quảng cáo để đánh tráo khái niệm, lừa người bệnh, “quảng cáo một đằng, đăng ký một nẻo”, thậm chí, có sản phẩm được quảng cáo như một thứ “thần dược” có khả năng khiến cho “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”, các bệnh lý về xương khớp được điều trị dứt điểm sau một thời gian sử dụng sản phẩm.

Đơn cử như viên xương khớp Cây Đa do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương sản xuất đã có nhiều bài đăng quảng cáo vi phạm quy định pháp luật. Nhằm tạo sự tin tưởng của khách hàng, viên xương khớp Cây Đa đã sử dụng chiêu thức quảng cáo nhằm cố ý tạo ra sự nhầm lẫn từ TPCN thành thuốc chữa bệnh.

Theo tìm hiểu của PV, có rất nhiều bài đăng quảng cáo trên Facebook của sản phẩm này sử dụng “Thuốc viên xương khớp Cây Đa” thay cho “TPCN viên xương khớp Cây Đa”.

Viên Khớp Cây Đa

Viên Khớp Cây Đa

Ngoài ra còn có TPCN Hoàng Thấp Linh do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu tiếp thị và phân phối, hay TPCN Cốt Bình An được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm thương mại Phương Đông cũng là một trong những TPCN đang được quảng cáo một cách rầm rộ hiện nay.

Không chỉ trên website chính của sản phẩm mà tại website của các hiệu thuốc hay qua trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... các bài quảng cáo cũng liên tục được đăng tải. Điều đáng nói, Hoàng Thấp Linh hay Cốt Bình An chỉ là TPCN hỗ trợ điều trị viêm khớp tuy nhiên, đơn vị sản xuất, phân phối lại cố tình quảng cáo sai lệch trên khắp các nền tảng mạng xã hội khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm là thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, tại Fanpage của TPCN Cốt Bình An thường xuyên đăng tải các bài quảng cáo gây hiểu nhầm trong nhận thức của khách hàng. Là TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng khi quảng cáo công dụng lại được thổi lên là “điều trị” thậm chí còn “điều trị dứt điểm”.

Lâu năm thì cũng chỉ 7 ngày hết đau nhức.

Diệt tận gốc Bệnh: THOÁI HOÁ - THOÁI VỊ - VIÊM KHỚP - GOUT.

1 Liều là tan biến tình trạng đau nhức, mất ngủ; 2 Liều là DỨT bệnh ngay”.

Đây là một đoạn trích từ bài đăng quảng cáo của Cốt Bình An được đăng tải vào ngày 22/3/2021 trên Facebook. Có một thực tế rằng đến thuốc chữa bệnh cũng chưa chắc hiệu quả đến thần tốc như vậy, thế mà Cốt Bình An - một sản phẩm với bản chất là TPCN với vai trò bổ sung, hỗ trợ lại khẳng định chắc nịch "dứt bệnh"? 

Cốt Bình AN

Tương tự, theo tìm hiểu, cho đến năm 2018, TPCN Hoàng Thấp Linh đã có một Fanpage trên trang mạng xã hội Facebook mang tên “Hoàng Thấp Linh - Hiệu quả điều trị viêm khớp dạng thấp” và nay đã được sửa lại là “Hoàng Thấp Linh - Linh nghiệm phương cho viêm khớp dạng thấp”. Dù đã được sửa đổi tên nhưng ngay từ đầu sản phẩm đã khiến nhiều người tiêu dùng hiểu nhầm đây là một loại thuốc điều trị bệnh khớp.

Tại thời điểm đó, không chỉ trang Fanpage bán hàng mà cả website hoangthaplinh.vn benhviemkhop.vn đã phát đi những tin tức quảng cáo thổi phồng lên công dụng sản phẩm. 

Cụ thể, trang này đã đăng tải các video tư vấn về vấn đề chữa viêm khớp có sự xuất hiện của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình (Phó khoa Điều dưỡng ĐH Đông Á, Ủy viên HĐTV Phục hồi chức năng quốc gia), Bác sĩ Mai Thị Minh Tâm (Phó trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E Hà Nội), Bác sĩ Vũ Thị Khánh Vân (Nguyên Chủ nhiệm khoa A9, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quân đội). Bên cạnh đó, các website này còn chia sẻ câu chuyện của các bệnh nhân sau khi “điều trị” hiệu quả bệnh xương khớp. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng những thông tin ấy là thật, và cũng không có cơ quan nào kiểm chứng sự xác thực của các thông tin này.

Giống với Hoàng Thấp Linh, TPCN Cốt Thoái Vương “điều trị” bệnh khớp cũng là sản phẩm do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu tiếp thị và phân phối. Cùng là “con trong một gia đình”, Cốt Thoái Vương cũng không thua kém, được rao bán, mời chào người tiêu dùng một cách rầm rộ. Thực chất sản phẩm này có tốt hay không thì vẫn chỉ là TPCN hỗ trợ điều trị, thế nhưng, nội dung quảng cáo lại nhấn mạnh công dụng của sản phẩm như một loại thuốc chữa bệnh.

Cốt Thoái Vương

Chưa dừng lại ở đó, trên trang Facebook của sản phẩm này có nhiều bài viết dễ gây hiểu lầm tới người xem. Cụ thể, vào ngày 7/12/2019, trang Fanpage này đăng tải hình ảnh một bức thư của người tiêu dùng xưng là ông Tình (86 tuổi) với nội dung cảm ơn Cốt Thoái Vương và cuối bức thư không quên gửi lời nhắn nhủ: “Sau đây, tôi có đôi lời nhắn nhủ cho quý cụ tuổi cao: Khi đau cột sống hay thoái hóa cột sống, hãy dùng thuốc Cốt Thoái Vương là hết bệnh ngay”.

Hình ảnh bức thư của ông Tình được chụp một cách rõ nét, trong thư có giới thiệu đầy đủ địa chỉ và thậm chí là cả số điện thoại của nhân vật ông Tình. Các thông tin của khách hàng được cung cấp chi tiết như vậy là cách thức mà nhiều quảng cáo hiện nay đang sử dụng nhằm tăng độ tin cậy của người mua. Điều này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như tất cả các thông tin hay thậm chí là câu chữ trên bức thư là có thật. Tuy nhiên, khi PV đi sâu tìm hiểu thì sự thật lại không phải vậy.

Gọi điện đến số điện thoại trên bức thư của ông Tình thì kết quả nhận được chỉ là một số thuê bao không tồn tại. Vậy, liệu ông Tình - người tiêu dùng đã thấy hiệu quả sau khi dùng sản phẩm TPCN Cốt Thoái Vương có phải là ông Tình “thật” hay chỉ là một ông Tình trên giấy và là một chiêu thức quảng cáo tinh vi nhằm qua mắt người tiêu dùng?

Thế nên, không phải tự nhiên mà Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng đã quy định không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm...

Rõ ràng việc sử dụng thư tín, phản hồi của người được cho là đã từng sử dụng sản phẩm là một kịch bản quen thuộc được nhiều nhãn hàng sử dụng nhằm lôi kéo lòng tin của người tiêu dùng, nhưng để xác thực được thật giả đến đâu thì không ai có thể đảm bảo. 

Cốt Thoái Vương
Bức thư của ông Tình gửi lời cảm ơn đến Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu.

Hay mới đây, Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế vừa thông báo, người tiêu dùng không nên mua TPCN xương khớp Mộc Thanh trên các trang mạng xã hội. Cụ thể như: http://www.suckhoe24h-vn.online, http://sieuthisongkhoe.com, http://www.mocthanhxuongkhop.com, http://www.healcentral.org,... bởi những website này đã đăng tải các thông tin quảng cáo TPCN Mộc Thanh có nhiều vi phạm, gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, có sử dụng hình ảnh uy tín của nhiều nhân viên y tế mà chưa được cho phép.

Qua đó để thấy, TPCN hỗ trợ điều trị xương khớp đều có những mô típ rất quen thuộc khi tung các chiêu quảng cáo trá hình. Nếu không “nhầm lẫn” một cách cố ý giữa “hỗ trợ” và “điều trị” gây sự nhập nhèm trong nhận thức của người tiêu dùng thì sẽ mượn lời của một ai đó - tự xưng là người sử dụng thuốc và nói lên những lời mật ngọt che mắt người mua. Đặc biệt, một số loại TPCN còn “làm liều”, cố tình vi phạm quy định khi sử dụng trái phép hình ảnh của các chuyên gia, y bác sỹ để tạo độ tin cậy cho sản phẩm của mình.

Những trang mạng xã hội như Facebook, Youtube hay các website trở thành các công cụ truyền thông đầy mập mờ cho nhóm TPCN này đã đành, thế nhưng, các kênh thông tin chính thống cũng gián tiếp “hỗ trợ” cho sự trá hình này.

Đơn cử như quảng cáo TPCN Cốt Thoái Vương trên một kênh truyền hình, nhiều người già - đối tượng mắc nhiều nhất bệnh xương khớp hiện nay sẽ rất khó để phân biệt sản phẩm này là thuốc hay TPCN. Bởi lẽ, phải để ý thật kỹ, người xem mới có thể thấy và nghe rõ câu nói: “Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội đã quy định rõ: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc và phải khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Tại Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT cũng nêu rõ: “c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Văn Nghĩa, thành viên Hội Luật gia TP. Hà Nội phân tích: “Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng (khoản 8, Ðiều 8, Luật Quảng cáo năm 2012). Trường hợp tái phạm, thì mức phạt có thể tăng đến 100 triệu đồng và cải tạo không giam giữ trong ba năm. Hành vi vi phạm này cũng được nêu rõ trong Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin.

Ngoài ra, theo Ðiều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định, thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Hành vi quảng cáo sai sự thật công dụng của thuốc chữa bệnh, TPCN, lừa dối người tiêu dùng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo Ðiều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm hoặc chung thân”.

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, theo quy định, nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Bởi khi một bác sĩ quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn, tăng độ tin cậy của người bệnh đối với sản phẩm do bác sĩ quảng cáo.

Là TPCN nhưng lại không muốn bán dưới công dụng như đúng tên gọi, sau mỗi chiêu trò quảng cáo của đơn vị sản xuất, phân phối là một cách phù phép để TPCN trở thành thuốc, hay thậm chí là “thần dược”. 

CHIÊU THỨC NHỎ, HẬU QUẢ TO

Hành vi quảng cáo sai sự thật, thổi phồng lên chức năng, hiệu quả, công dụng của sản phẩm, tạo sự mập mờ trong nhận thức của người dân về TPCN đã khiến rất nhiều người tiêu dùng có thể hiểu sai, hiểu chưa đúng về công dụng của sản phẩm, dẫn tới tốn tiền mà chưa chắc khỏi bệnh.

Ngoài ra, việc sử dụng trái phép hình ảnh, uy tín của các cán bộ y tế đã đánh trúng “điểm yếu” của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường có tâm lý tin tưởng vào các cơ quan chức năng, những người có uy tín, tên tuổi cùng lĩnh vực để tin và mua theo các sản phẩm họ quảng cáo.

Như vậy, nắm bắt tâm lý các đối tượng có nhu cầu dựa trên hành vi, thói quen sử dụng cùng sự hỗ trợ của các công cụ phân tích dữ liệu người dùng, các nội dung quảng cáo sai sự thật này thông qua đó tác động đến hành vi mua hàng để thu lợi nhuận từ việc bán sản phẩm.

Theo các chuyên gia, các hành vi quảng cáo sai trái của TPCN nói chung và TPCN xương khớp nói riêng sẽ gây ra rất nhiều hậu quả cho người tiêu dùng. Không ít người bệnh vì tin lời quảng cáo, đã bỏ khá nhiều tiền mua TPCN mà bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng.

Nguyễn THành Phong

Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - ông Nguyễn Thanh Phong, cho rằng, việc quảng cáo mập mờ gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh rất nguy hiểm.

“Vi phạm này rất nghiêm trọng, là quảng cáo lừa dối người tiêu dùng, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nhiều người Việt dễ dàng bị đánh lừa bởi những ngôn từ quảng cáo, bỏ ra tiền trăm, tiền triệu mua thực phẩm vì ngỡ có tác dụng... chữa bệnh, gây tốn kém, ảnh hưởng đến thời gian vàng điều trị”.

Đúng vậy, không ít người tiêu dùng đã ngộ nhận về TPCN, dẫn đến việc dùng nó như thuốc chữa bệnh, hoặc tin rằng nó vô hại nên họ uống liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm với quan niệm "không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc". Thực tế, nhiều khảo sát đã chứng minh rằng nếu dùng TPCN trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn quá trình trao đổi chất do cơ thể phải liên tục xử lý những loại chất bổ và chất dinh dưỡng dư thừa. Sự dư thừa ấy kết hợp với các chất dư thừa dự trữ trong cơ thể sẽ khiến lượng mỡ trong máu tăng cao, mô mỡ phì đại, đường huyết tăng và các gốc oxy hóa cũng tăng theo, gây hại nhiều cơ quan, bộ phận.

Chưa kể TPCN còn có thể gây ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng cho người dùng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ở Mỹ, Cơ quan FDA ghi nhận mỗi năm có khoảng 6 triệu người phải nhập viện vì những tác dụng phụ của "TPCN", còn tại Việt Nam, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng chắc chắn con số này cũng không hề nhỏ.

Đơn cử như trường hợp của bà Ng. Ngân 65 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) - một người mắc nhiều vấn đề về xương khớp và đã từng gặp nguy hiểm khi hiểu nhầm TPCN là thuốc chữa bệnh để rồi không điều trị bệnh kịp thời, bỏ lỡ đi cơ hội chữa trị bệnh khi còn nhẹ.

“Biết được 'thuốc' mình uống bao lâu nay không phải là thuốc thực sự thì đã quá muộn. Tôi là người mắc bệnh đau nhức xương khớp ở cấp độ nặng, ngoài ra tôi còn mắc bệnh thoái hóa đốt sống lưng. Khi được bạn bè giới thiệu và xem quảng cáo tôi đã tin và sử dụng một loại TPCN được quảng cáo nhiều. Lúc đầu uống thì thấy có cải thiện được ít nhiều nhưng sau 2 năm sử dụng thường xuyên, bệnh không những không đỡ mà còn chuyển biến kém hơn. Lúc đó tôi mới biết, đây không phải là thuốc chữa bệnh”, bà Ngân chia sẻ.

May mắn hơn bà Ngân, cô Hoàng Hồng, 42 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) đã sớm nhận thức được sản phẩm mình dùng không phải là thuốc chữa bệnh.

“Lúc đầu tôi không để ý đó là TPCN hay thuốc chữa bệnh. Bởi thực sự, khi xem quảng cáo trên tivi, tôi cứ mặc định đây là thuốc và đã mua, sử dụng được nửa hộp đầu tiên. Nhưng may mắn, con gái học ngành y nên đã tinh ý, phát hiện và nhắc nhở, cảnh báo tôi”.

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều những trường hợp hiểu nhầm công dụng của TPCN, dẫn đến sử dụng sai và phải lĩnh những hậu quả đáng buồn. Nhẹ thì tốn tiền, bệnh chuyển biến nặng, nguy hiểm hơn thì còn liên quan đến tính mạng. Để tránh gặp phải những chuyện đáng buồn, trước hết chính người tiêu dùng phải là những người sáng suốt, hiểu đúng về TPCN và những sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà mình sử dụng, tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc và hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, những người có chuyên môn bất cứ lúc nào.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tpcn-xuong-khop-khong-nam-ngoai-quy-luat-an-dieu-noi-qua-20201231000001322.html