Trong đó có nội dung đề xuất Quốc hội cho tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung. Cụ thể là với xăng từ 3,000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít; Dầu diesenl tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2,000 đồng/lít; Dầu ma zut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg; Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít. Bắt đầu từ 1/7/2018.

Lý do mà Bộ này đưa ra cho việc tăng thuế về xăng dầu lên kịch khung, là để phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu, khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Đồng thời động viên một cách hợp lý sự đóng góp của xã hội vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT.

Nội dung tờ trình trên lập tức gặp phải những ý kiến trái chiều, đặc biệt là cùa giới chuyên gia kinh tế. Bởi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của gần như toàn bộ nền kinh tế.

Xăng dầu tăng, lập tức giá thành của các mặt hàng tăng theo, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vốn đã yếu, do giá thành cao và chất lượng thua kém chất lượng của cùng một loại hàng ngoại nhập, nay sẽ càng yếu hơn.

Thứ hai, theo cam kết, nước ta giảm dần thuế nhập khẩu, thì nước khác cũng giảm, tức là nền kinh tế nước ta được lợi khi xuất khẩu sang nước khác được hưởng thuế xuất thấp, thậm chí bằng không, nên không thể lấy lý do giảm thuế nhập khẩu để tăng thuế khác. Một khi giảm đằng nọ nhưng lại tăng đằng kia, thì người dân còn được hưởng lợi ở chỗ nào?

 

Động viên người dân tiếp tục móc túi ra để đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, không bằng sử dụng tiết kiệm những đồng tiền thuế mà người dân đã đóng góp, để có tiền đầu tư phát triển. Mà tiết kiệm, thì có hàng trăm cách, như giảm biên chế để giảm chi thường xuyên, khoán xe công để giảm mỗi năm hàng chục ngàn tỷ...

Các loại thuế, phí hiện đã ngập đầu, sức dân đã cạn kiệt. Nay lại tăng nữa, thì người dân, nhất là dân nghèo, làm sao chịu nổi?

Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra, là thu những sắc thuế nào thì phải được dùng vào mục đích ấy. Tất cả đều phải minh bạch, rõ ràng. Thuế BVMT thu được từ xăng dầu, trước nay vốn đã rất tù mù, người dân chẳng hiểu số tiền đó được đầu tư như thế nào, trước khi thu thuế thì môi trường ô nhiễm như thế nào?

Sau khi thu được thì môi trường được cải thiện như thế nào? Chẳng có một con số nào cụ thể cả. Nay tăng thuế BVMT. Nhưng sau khi tăng rồi, thì môi trường có trong lành hơn không? Hay vẫn thế. Những khoản thu được sau khi tăng thuế, sẽ được đầu tư như thế nào, vào những việc gì? Để môi trường được trong lành hơn ?

Chỉ sau khi trả lời được những câu hỏi đó, thì mới nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Theo nongnghiep.vn