Văn hóa Hàn bắt đầu từ đâu?

Chính phủ Hàn Quốc thật sự đã thành công khi mang văn hóa Hàn lan rộng sang các nước khác. Làn sóng Hàn Quốc ngày càng lan tỏa, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, đặc biệt trong những năm gần đây.

Có thể khi nghe đến văn hóa Hàn, nhiều người chỉ mơ hồ nó dừng lại ở phim ảnh và âm nhạc. Nhưng thực tế thì văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng rất nhiều.

Độ phổ biến của văn hóa Hàn tại Việt Nam. Nguồn ảnh: Q&Me

Độ phổ biến của văn hóa Hàn tại Việt Nam. Nguồn ảnh: Q&Me

Khảo sát của trang Q&Me đã cho thấy, hơn 70% những người Việt có con mắt thiện cảm với đất nước Hàn Quốc, 42% nghĩ đến đồ ăn Hàn, 28% nghĩ đến Kimchi, và 21% nghĩ đến K-Pop khi nhắc đến đất nước này.

Còn nhớ, bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được chiếu trên sóng truyền hình Việt Nam là “Yumi – Tình yêu của tôi” và “Mối tình đầu”. Sau “Mối tình đầu”, Đài truyền hình Việt Nam và các đài khác bắt đầu nhập và chiếu một loạt các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc như “Anh em nhà bác sĩ”, “Người mẫu”, “Cảm xúc”, “Tình cờ”, “Trái tim mùa thu” cho tới “Bản tình ca mùa đông”, “Nấc thang lên thiên đường”, “Giày thủy tinh”.

Những bộ phim này đã tạo ra làn sóng phim Hàn Quốc. Từ đó, bắt đầu Hanbok, kim chi, rượu sô chu bắt đầu quen dần với người Việt. Họ tìm hiểu và thích thú với đất nước này, nhớ được những cái tên khó đọc các diễn viên Hàn Quốc, dùng sản phẩm Hàn, học tiếng Hàn … Và cũng qua điện ảnh, Hàn Quốc phát triển sức ảnh hưởng của mình bằng hàng loạt các công cụ khác. Đó là ngành công nghiệp giải trí, tiêu dùng của người Việt.

Văn hóa Hàn ngày càng lan rộng

Minh chứng sớm nhất cho việc sản phẩm Hàn bắt đầu lấn sân sang Việt Nam là sau bộ phim ‘Thành thật với tình yêu’ nhiều người bắt đầu tìm mua dầu gội đầu Double Rich – sản phẩm được anh chàng diễn viên chính Bae Young Jun quảng cáo.

Nguồn ảnh: Korea.net

Nguồn ảnh: Korea.net

Sau đó là một loạt các quảng cáo Debon, LG, Essance với hình ảnh của các diễn viên nổi tiếng như Kim Nam Joo, Lee Young Ae… Qua điện ảnh, Hàn Quốc đã mang sản phẩm của mình du nhập và lan tỏa mạnh mẽ vào Việt Nam. Nhưng đó mới chỉ là một phần của sản phẩm Hàn, tập trung ở mảng điện tử và mỹ phẩm.

Đến khi những nhóm nhạc thần tượng K-Pop đổ bộ như DBSK, SuJu, SNSD,… thì giới trẻ Việt thật sự điên cuồng văn hóa Hàn. Có đến 50% những người tham gia khảo sát của Q&Me trả lời thích âm nhạc K-POP với những nghệ sĩ nổi tiếng như BTS, Big Bang, G-Dragon, Black Pink…

“Làn sóng Hallyu” (Hàn lưu) tới giới trẻ Việt Nam cực kỳ mạnh mẽ. Ngày nay, giới trẻ Việt mê phim Hàn, thần tượng ca sĩ, diễn viên Hàn, trang điểm, ăn mặc theo phong cách Hàn … không còn quá lạ lẫm. Vẻ đẹp trong veo, của gái Hàn trở thành vẻ đẹp kiểu mẫu, cách make up "sương sương" của các nghệ sĩ xứ sở kim chi cũng thành trào lưu.

Các thẩm mỹ viện với gương mặt quảng cáo của nghệ sĩ Hàn cũng đổ bộ vào Việt Nam, để phục vụ phụ nữ chăm sóc sắc đẹp mà không phải sang tận xứ sở Kim chi xa xôi. Rồi vô vàn các thương hiệu mỹ phẩm, từ bình dân cho đến cao cấp của Hàn Quốc như Ohui, The Face Shop, The Body Shop đều được chị em săn đón hết mực. 

Nguồn ảnh: Q&Me

Giới trẻ Việt quen thuộc với những nghệ sĩ Hàn.Nguồn ảnh: Q&Me

Không chỉ là làm đẹp, là đồ tiêu dùng mà còn cả ẩm thực. Đồ ăn Hàn Quốc cũng được nhiều người ưa chuộng (68%) với những món ăn đặc trưng như kimchi, kimbap (cơm cuộn), topokki (bánh gạo), bibimbap (cơm trộn)...Kim chi hay kimbap đã kịp len lỏi vào bữa cơm gia đình của người Việt và nó hoàn toàn không còn lạ lẫm.

Khắp phố xa, thành thị mọc lên các nhà hàng theo phong cách Hàn Quốc như mì cay, lẩu nướng, …Nhiều thực khách tìm đến với những quán ăn này không hẳn vì yêu thích mà nhiều khi do tò mò, muốn khám phá ẩm thực Hàn Quốc được giới thiệu và quảng bá trên phim ảnh thực chất như thế nào.

Rồi còn rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, khách hàng cũng với tâm lý tò mò tìm đến xem nó như thế nào. Điều đó càng làm các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Hàn nở rộ trong thị trường Việt.

Theo Mộc My/Đô Thị Mới