Hàng ngàn m2 đất đã sạt lở

Theo phản ánh của ông Trần Văn Nhân, là cư dân sinh sống tại thôn Trường Thi B, xã An Khang, tỉnh Tuyên Quang thì phần lớn các hộ dân sinh sống hoặc có đất ven sông Lô, thuộc địa bàn xã An Khang đều bị mất một phần diện tích đất, thậm chí một số hộ đã mất toàn bộ diện tích đất ven sông do sạt, lở trong thời gian từ năm 2016 đến nay.

Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang liệu có chịu trách nhiệm?

Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang liệu có chịu trách nhiệm?

Ông Nhân cho hay, nguyên nhân là do hoạt động khai thác khoáng sản (cụ thể là cát, sỏi) của Công ty LKS Tuyên Quang, khiến các thuở đất 2 bên sông càng ngày càng bị bào mòn, gây sạt lở nghiêm trọng, vì trước khi có việc khai thác khoáng sản, đất ven sông đều “bên lở, bên bồi” thuận theo tự nhiên. Công ty LKS Tuyên Quang cũng là doanh nghiệp duy nhất hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này.

Nhiều gia đình đã mất toàn bộ đất vì sạt lở

Nhiều gia đình đã mất toàn bộ đất vì sạt lở

Trước tình hình sạt, lở ngày một rõ ràng, người dân đã cùng họp bàn, thống nhất việc đưa đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan chức năng địa phương từ những năm 2016. Đứng tên trong đơn là 13 hộ dân, đại diện cho hơn 40 hộ sinh sống tại các thôn Trường Thi A, Trường Thi B và Trường Thi C của xã An Khang, nơi có dòng sông chảy qua.

 

Đất ven sông Lô đã bị sạ lở nghiêm trọng

Một số trường hợp mất đất có thể kể đến như gia đình bà Sao với tổng diện tích đất của gia đình là 1.241m2 theo tờ bản đồ số 16, đã mất đi hơn 1.000 m2; gia đình anh Thảo có 2.568 m2 đất bãi bồi đã mất gần hết; ông Minh có 980m2 đất bồi và 1226 m2 đất bìa đỏ đã mất hết toàn bộ từ 2 năm nay... Ước tính đã có khoảng 7.000m2 đất ven sông bị sạt lở.

 

Phần đất canh tác cũng đã có dấu hiệu bị sạt, lở

Phần đất canh tác cũng đã có dấu hiệu bị sạt, lở

Khi được hỏi đến doanh nghiệp khai thác khoáng sản của Công ty LKS Tuyên Quang, ông Nhân trả lời: “Về việc khai thác của công ty, dân ở đây không biết tỉnh cấp đăng ký kinh doanh cho khai thác cát sỏi hay vét lòng sông. Đáng lẽ phải thông báo cho dân tôi là việc khai thác của công ty sâu bao nhiêu, cách xa bờ bao nhiêu, kể cả là vét đi nữa. Dân kiến nghị tỉnh, tỉnh phớt lờ...

"Cầu cứu" từ năm này qua năm khác

Không chỉ một lần, mà đã 3 lần các hộ dân thuộc địa bàn xã An Khang gửi đơn kiến nghị cho UBND tỉnh Tuyên Quang. Theo nội dung đơn kiến nghị, thì lá đơn đầu tiên được gửi đi từ năm 2016, liên quan đến việc Công ty LKS Tuyên Quang hút cát, làm sạt lở đất bờ sông được hợp tác xã cấp từ năm 1981.

Tháng 12/2016, Công ty LKS Tuyên Quang mới có sự đối thoại với dân. Cho rằng phần đất bờ sông của người dân không có bìa đỏ nên đã hỗ trợ 39.000 đồng/m2, mặc dù phần đất này người dân đã sử dụng suốt 35 năm không có sự tranh chấp. Phó Giám đốc Công ty thời điểm đó đã hứa với bà con, cho những hộ không còn canh tác được nữa mức hỗ trợ gấp 3 lần, nhưng chưa từng nhận được đồng nào. Đến tháng 6/2017, phần đất bờ sông nói trên đã hoàn toàn biến mất, khu vực sạt lở đã đi sâu vào phần đất canh tác cây trồng hàng năm của bà con.

 

Bà con đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại

Bà con đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại

Ngày 20/8/2017, người dân tiếp tục gửi đơn kiến nghị nhưng không có hồi âm. Đến tháng 5/2018, người dân gửi đơn một lần nữa và nhận được giấy mời làm việc tại xã vào ngày 22/5/2018, nhưng khi đại diện của 13 hộ dân đến thì phía Công ty LKS Tuyên Quang lại không có ai ra mặt.

Mãi đến ngày 23/10/2018, đại diện của các hộ dân bị ảnh hưởng mới được mời ra trung tâm UBND xã để làm việc với đại diện của Công ty LKS Tuyên Quang. Tuy nhiên, buổi làm việc thất bại do hai bên không tìm được tiếng nói chung, vì mức giả hỗ trợ của công ty 41.000 đồng/m2 là quá thấp.

 

Một nội dung, gửi đi 3 lần

Cùng 1 nội dung, 3 lần gửi đến UBND tỉnh Tuyên Quang

Chúng tôi không thể nhất trí với giá đó được, đây là chúng tôi bắt đền công ty chứ không phải giá hỗ trợ được, với lý do là phá hoại và làm sạt lở, mất trắng diện tích của chúng tôi, đến nay đã là mấy vụ rồi, và làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi.” Ông Nhân bức xúc trình bày.

Được biết, tại một số buổi làm việc giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng địa phương, đã xác định khu vực bị ảnh hưởng sạt, lở đất ven sông nằm trong khu vực được cấp phép khai thác cát, sỏi của Công ty LKS Tuyên Quang tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 17/GP-UBND ngày 17/4/2015 của UBND tỉnh Tuyên Quang.

Trách nhiệm của cơ quan địa phương trong vụ việc việc nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại địa bàn xã An Khang, tỉnh Tuyên Quang ra sao? Những câu trả lời của Công ty LKS Tuyên Quang liệu có thỏa đáng? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới