Với 112 điểm, tăng 6 điểm so với quý trước thì đây đang là số điểm cao nhất về chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam kể từ quý II/2010 đến nay.

Theo ông Vaughan Ryan – Tổng Giám đốc công ty Nielsen Việt Nam: "Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục tăng dù thị trường đang diễn biến chậm chạp. Những gì chúng ta đang thấy ở đây không phản ánh đúng thực trạng của thị trường, mà đúng hơn là phản ánh hy vọng và tâm trạng của người tiêu dùng Việt trong tương lai.

Việt Nam vẫn là một quốc gia trẻ và lạc quan, với 57% dân số dưới 35 tuổi và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng 60% trong thập niên cuối cùng. Sự lạc quan này còn phản ánh từ một thực tế là người tiêu dùng Việt trung bình có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho bản thân, cải thiện đời sống và có nhiều khát vọng để được tốt hơn mỗi ngày.

Báo cáo của Nielsen cho thấy: Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là một trong những người tiêu dùng có niềm tin cao nhất toàn cầu.

Với chỉ số 123 điểm (tăng 3 điểm so với quý trước), người Indonesia vẫn là người tiêu dùng lạc quan đứng thứ hai toàn cầu, sau Ấn Độ với 129 điểm.

Philippines đứng thứ ba với số điểm là 115 điểm (giảm 5 điểm), trong khi Thái Lan vẫn đứng ở vị trí thứ năm với điểm số 114 (tăng 3 điểm). Người tiêu dùng tại Singapore vẫn lạc quan với 100 điểm. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Malaysia tăng lên 94 điểm (tăng 5 điểm so với quý trước).

Người Việt giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm

Kể từ quý II/2014 đến nay, ý định thay đổi chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình của người tiêu dùng Việt vẫn ổn định ở mức cao.

Có hơn tám trong mười người tiêu dùng Việt Nam (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của họ trong vòng 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí gia đình bởi vì có hơn 50% người tiêu dùng nghĩ rằng đất nước đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế tại thời điểm này.

Người Việt Nam giữ mức tiết kiệm cao nhất trên toàn cầu với 78%

Đồng thời, hơn ba trong năm người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu của họ vào việc mua quần áo mới (62%) và đã cố gắng tiết kiệm chi phí điện và ga (61%).

Hơn một nửa trong số đó đã cắt giảm các chi phí giải trí gia đình (57%). Bên cạnh đó, hai trong số năm người tiêu dùng đã trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ (46%) và việc thay thế các mặt hàng gia dụng lớn (44%).

Nhìn chung, Nielsen nhận định: Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những người “khao khát” để dành tiền tiết kiệm nhất thế giới, với gần hai phần ba (61%) người Việt để dành tiền “nhàn rỗi” của mình vào tiết kiệm, so với mức chỉ 48% trên toàn cầu.

Khi nói đến mức độ tiết kiệm, Việt Nam giữ mức cao nhất trên toàn cầu (78%), tiếp theo là Indonesia (74%), Philippines (68%), Singapore (66%), Malaysia (65%) và Thái Lan (64%).

Mặc dù hầu hết người tiêu dùng Việt đang ưu tiên cho để dành tiền tiết kiệm, nhưng khảo sát này cũng cho thấy rằng, sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt, gần một nửa số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho các mục lớn như du lịch dịp lễ và nghỉ hè (44%) và mua các sản phẩm công nghệ mới (40%, tăng 6% so với quý trước).

Người Việt dần quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn

Người tiêu dùng Việt đã bớt đi những lo lắng về kinh tế hay công việc, họ dần quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn

Thay vì đảm bảo công việc hay lo lắng tới hiện trạng nền kinh tế thì 1 trong 5 người tiêu dùng Việt đã lo ngại về sức khỏe của mình (19%), chỉ có 15% lo lắng hiện trạng nền kinh tế và 16% lo lắng đảm bảo công việc. Trong khi đó, con số quan tâm về hiện trạng nền kinh tế ở Malaysia là 31% và Thái Lan là 26%.

Trong khi lo ngại lớn khác trong khu vực bao gồm sự cân bằng giữa công việc & cuộc sống, sự đảm bảo công việc và sức khỏe thì người Việt đang có xu hướng đi ngược lại các mối quan tâm ấy, họ dần quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.

Vân Hà/Theo Gia đình Việt Nam