Không được mang quá 1L chất lỏng khi đi máy bay

Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT ngày 01/02/2016 của Bộ Giao thông Vận tải về Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam quy định: Khi qua điểm kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly quốc tế, mỗi hành khách, thành viên tổ bay chỉ được mang không quá 01 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay.

Dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng không quá 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn.

Không áp dụng quy định trên đối với chất lỏng là thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn cho trẻ em nếu đáp ứng các điều kiện sau:

- Thuốc chữa bệnh có kèm đơn thuốc, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ của người kê đơn thuốc, họ tên người sử dụng thuốc phù hợp với tên trên vé máy bay;

- Sữa, thức ăn dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh (phải có trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng).

Ngoài ra, chất lỏng mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên chuyến bay quốc tế cũng được phép mang theo người và hành lý xách tay không giới hạn dung tích với điều kiện phải đựng trong túi nhựa an ninh được dán kín.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2016.

Miễn thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài

Kể từ ngày 01/05/2016 tới đây, Quyết định 06/2016/QĐ-TTg quy định chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ chính thức có hiệu lực. 

Theo đó, điều kiện để được miễn thuế đối với chuyên gia nước ngoài bao gồm:

  • Có quốc tịch nước ngoài.
  • Có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc với cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Việt Nam trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/5/2016 

Sinh viên Y khoa được hỗ trợ vay vốn 

Theo Quyết định 09/2016/QĐ-TTg, sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp (nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp) được xem xét vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Sinh viên thuộc một trong các trường hợp:Mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; Thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định; Thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức của hộ nghèo theo quy định; Gia đình gặp khó khăn tài chính (tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh) trong thời gian thực hành có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.
  • Phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về: Thời gian, chi phí thực hành; chưa có hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động trong thời gian thực hành.

Thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Nghị định 12/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2016 quy định mức phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản như sau:

- Mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô: 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m³.

- Khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dâu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m³.

- Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này.

- Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí đối với loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Căn cứ mức phí quy định tại Biểu khung phí ban hành kèm theo Nghị định này, HĐND cấp tỉnh quyết định cụ thể mức thu phí Bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

6 lĩnh vực ưu tiên được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Từ 01/05/2016 tới đây, Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, có 6 lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi chính thức có hiệu lực.

Cụ thể:

- Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước.

- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

- Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

- Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 16/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/5/2016 và thay thế Nghị định 38/2013/NĐ-CP .

 

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam