Sáng 3/12, Tập đoàn Vingroup đã thông báo, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận hợp nhất đơn vị bán lẻ VinCommerce và VinEco vào Masan Consumer Holding, một công ty con của Masan Group để tạo thành nền tảng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.

Vingroup cho biết, việc sáp nhập này sẽ giúp hãng tập trung phát triển hơn vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát thực thể mới trong khi Vingroup sẽ là cổ đông.

Kể từ khi thành lập, VinMart tiếp tục mở rộng bằng cách tăng số lượng cửa hàng, cũng như mua lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thu hút nhiều quỹ đầu tư lớn ngoài nước.

Thâu tóm Ocean Mart

Thương vụ này diễn ra năm 2014, Vingroup mua đứt 70% cổ phần từ tập đoàn Ocean Retail để trở thành chủ sở hữu chuỗi Ocean Mart. Đây là bước phát triển quan trọng đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam. Vào thời điểm chuyển nhượng, Ocean Mart có 14 siêu thị trên khắp cả nước và đang xây dựng 40 siêu thị.

Thương vụ này được cho là khá "chóng vánh" khi đạt thỏa thuận chỉ sau 2 tuần đàm phán. Chưa đầy 2 tháng sau, Ocean Mart thay đổi nhận diện thương hiệu hoàn toàn thành VinMart.

Sau khi sáp nhập hệ thống, Ocean Mart được cải tiến, nâng cấp cả về hàng hóa lẫn chất lượng dịch vụ trong thời gian nhanh nhất và đổi tên thành VinMart.

Tất cả nhân viên của Ocean Mart được giữ lại và huấn luyện riêng để trở thành những nhân viên tài năng và chuyên nghiệp cùng tập đoàn Vingroup.

Mua lại chuỗi Fivimart

Công ty đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty Cổ phần Nhật Nam. Sau thương vụ này, VinCommerce sẽ sở hữu hệ thống bán lẻ khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Fivimart là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.

Tuy nhiên, Fivimart lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Năm 2016, chuỗi siêu thị Fivimart đạt doanh thu 1.243 tỉ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước đó. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn báo lỗ 96 tỉ đồng, cao gần gấp đôi mức lỗ 2015.

Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart sau 3 năm hợp tác với Aeon Việt Nam lên tới gần 200 tỉ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỉ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.

Sau khi Fivimart sáp nhập vào VinMart và được đổi tên đồng bộ, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Thâu tóm Shop&Co

Vào tháng 4 năm nay, VinMart cũng đã mua lại một chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi mang nhãn hiệu Shop & Go. Trước khi sáp nhập vào VinMart , chuỗi có 70 cửa hàng tại TP. HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở trong các quận nội thành. Đáng chú ý, thương vụ này chỉ có giá 1USD và hoàn toàn do Shop&Co đề nghị.

Theo báo cáo tài chính của Shop&Co năm 2017, đơn vị này đã lỗ gần 40 tỉ đồng. Do đó, nói là thương vụ chỉ đáng giá 1 USD nhưng thực tế thì VinMart gánh toàn bộ số nợ và lỗ của Shop&Co để lại.

Đại diện Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống cũng thừa nhận quyết định rút lui này được đưa ra sau khi nhận thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ không đơn giản như hình dung. Thương vụ 1 USD này là "tặng lại Shop&Go cho Vingroup để họ tiếp tục đầu tư, phát triển".

Sau khi sáp nhập, hiển nhiên là Shop&Co được chuyển đổi nâng cấp từ hàng hóa đến hệ thống quản lý nhân sự theo tiêu chuẩn của VinMart , VinMart +. Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, VinCommerce tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.

Thâu tóm chuỗi siêu thị khu nhà giàu Queenland Mart

Gần đây nhất, VinCommerce đã mua lại chuỗi siêu thị địa phương Queenland Mart như một bước tiếp tục để mở rộng thị phần bán lẻ.

Chuỗi 8 siêu thị Queenland Mart thuộc CTCP Thực phẩm Bông Sen, được thành lập vào năm 2014 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh hệ thống siêu thị, bán lẻ.

Chuỗi cửa hàng Queenland Mart nằm ở các trung tâm lớn hay chung cư cao cấp như quận 7, quận 2. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ cho nên việc tồn tại gặp không ít khó khăn.

Sau khi chuyển nhượng, khách hàng có điểm tích lũy hiện có tại thẻ Queenland Mart sẽ được chuyển đổi hoàn toàn sang điểm tích trên thẻ VinID có giá trị tương ứng và được tiêu dùng như tiền mặt trong các giao dịch tại các điểm kinh doanh của Vingroup.

Sau thương vụ này, tính cả VinMart+, Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị lên tới 2.122 điểm bán.

Tính đến tháng 10/2019 trước khi sáp nhập vào tập đoàn Masan, VinCommerce đã sở hữu hơn 122 siêu thị VinMart và gần 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc, dẫn đầu thị trường về độ phủ sóng.

Nhà đầu tư ngoại ồ ạt đổ bộ

Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) đã đầu tư 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ Vincommerce (VCM). Theo các tài liệu đăng ký kinh doanh, Vingroup sở hữu 64,3% VCM. Trước giao dịch này, GIC đã đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes vào năm 2018 khi Vinhomes IPO.

Tập đoàn SK của Hàn Quốc năm ngoái cũng đã đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua cổ phiếu của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn. Sau đó, vào tháng Năm, SK lại tiếp tục mua thêm 6,1% cổ phần của Vingroup.

Đây được xem là số tiền đầu tư lớn nhất mà tập đoàn này rót vào một doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Đầu năm 2018, tập đoàn của Hàn Quốc Hanwha Asset Management cũng đầu tư 400 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Vingroup để phát triển các ngành hàng.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới