Nhiều người cho rằng nghề báo là một công việc được đi nhiều, quan hệ rộng và có một vị thế nhất định trong xã hội. Nhưng phía sau đó là một sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao không chỉ của cá nhân người cầm bút mà còn của những người thân xung quanh họ. Cũng như các nữ đồng nghiệp, do tính chất công việc, vợ tôi rất ít khi được khoác lên mình bộ váy, đi đôi giầy cao gót mỏng manh hay thả tóc làm duyên.

Không ít lần chứng kiến vợ mắt trũng sâu vì thức khuya viết bài, mặt hốc hác, da rám nắng, mồ hôi đầm đìa sau chuyến đi cơ sở… tôi xót xa nhưng nhìn thấy sự hân hoan của cô ấy khi hoàn thành bài báo đúng thời hạn, được ban biên tập ghi nhận là “bài đinh”, nhận được những hiệu ứng tích cực từ độc giả thì tôi như bị cuốn theo niềm đam mê của vợ.

Nghề báo phải đi nhiều (Ảnh minh họa)

Làm báo, vợ tôi phải đi nhiều. Khi đi về lại say sưa ngồi viết ngay do sự hối thúc của cảm xúc đang dâng trào nên nhiều lúc cô ấy làm việc như quên cả thời gian, ngước lên thì kim đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Sức khỏe của vợ tôi không được tốt nên từng có lúc tôi định khuyên cô ấy chuyển sang làm công việc khác nhưng thấy cô ấy luôn cháy hết mình với niềm đam mê thì tôi tự hiểu sự ngăn cản của mình sẽ làm vợ tổn thương. Từ đó, tôi nhiệt tình ủng hộ sự lựa chọn của vợ.

Nhiều người chỉ nhìn thấy những thiệt thòi của nghề báo như vất vả, ít có thời gian dành cho gia đình mà không nhìn thấy những “cái được” như kiến thức xã hội phong phú từ trải nghiệm thực tế, khéo léo hơn trong cách đối nhân xử thế, biết vun vén cho tổ ấm gia đình. Dù vợ tôi ít có thời gian về thăm quê nhưng mẹ và các anh chị em tôi rất quý mến sự cởi mở, chân thành của cô ấy, đồng nghiệp của tôi nếu đã từng tiếp xúc đều nhận xét tôi có may mắn được “sang vì vợ”. 

Ảnh minh họa

Cả hai đều làm công việc bận rộn, nhiều áp lực nên để duy trì tổ ấm đòi hỏi chúng tôi phải thực sự cảm thông, chia sẻ cùng nhau. Việc đi chợ, nấu ăn, dọn nhà, giặt dũ, chăm sóc, nuôi dạy con cái… được xác định là trách nhiệm chung. Thấy tôi đi mua thực phẩm, đeo tạp dề vào bếp trong khi vợ ôm chiếc máy tính ngồi viết bài, cũng có người bóng gió, mỉa mai, thậm chí là khích bác tôi “đội vợ lên đầu” nhưng tôi chẳng bận tâm.

Có hiểu và tôn trọng nghề nghiệp của bạn đời, tạo sự bình đẳng trong gia đình thì hạnh phúc mới bền vững. Điều này nói thì dễ nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản. Nó đòi hỏi tình yêu đủ lớn và sự bền bỉ để vượt qua những “chướng ngại vật”. Tôi nghĩ, một trong những yếu tố cần phải có trong mối quan hệ hôn nhân là sự tin tưởng lẫn nhau. Đặc thù của nghề báo là đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người, thời gian không cố định… vậy nên nếu không có sự tin tưởng, thấu hiểu, tạo điều kiện từ người bạn đời thì nhà báo khó mà tác nghiệp thành công.

10 năm nên duyên thì có đến vài chục lần tôi nhận được điện thoại “mật báo” vợ “có dấu hiệu đáng ngờ” vì đang cười nói rất tình cảm với một anh cao to, đẹp trai ở quán cà phê hay một nhà hàng nào đó. Thú thực, thời gian đầu tôi không khỏi ghen tuông dù trước đó có nghe vợ kể chuyện hẹn gặp nhân vật trong bài viết. Thêm nữa, những lúc đi làm về mệt mỏi, con lại ốm đau, quấy khóc mà vợ vẫn đi tối ngày thì người đàn ông rất dễ nổi nóng, hành động thiếu kiểm soát. Mỗi lần có đồng nghiệp hoặc bạn viết không may rơi vào bi kịch “đường ai nấy đi”, vợ tôi thường trầm tư. Hạnh phúc vốn mong manh, nhà báo giữ được “lửa” trong tổ ấm càng nan giải hơn…

Ảnh minh họa

Dù bận đến mấy tôi vẫn dành thời gian theo dõi và đọc những bài viết của vợ. Bên cạnh sự động viên, khích lệ, tôi cũng thẳng thắn trao đổi, góp ý cùng vợ với tư cách là một độc giả. Hiện vợ tôi được giao phụ trách mảng y tế. Tôi hãnh diện vì từ khi bước vào nghề đến nay, dù cuộc sống gia đình còn bộn bề khó khăn song cô ấy vẫn chưa một lần bị chi phối bởi cám dỗ vật chất mà bẻ cong ngòi bút…

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi muốn nhắn nhủ tới bà xã và những nữ ký giả rằng: Nghề báo tuy vất vả nhưng vinh quang, mong em luôn dồi dào ngọn lửa đam mê và sức sáng tạo để xứng đáng với niềm tin yêu và sự kì vọng của độc giả. Con đường em chọn luôn có sự đồng hành và ủng hộ của anh.

Theo Gia đình Việt Nam