Đồng thời, mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn, phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương và Bộ Xây dựng không thực hiện cấp phép xây dựng.

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực; bỏ quy định đăng ký thông tin quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đăng ký thông tin về hoạt động xây dựng với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng; thay vào đó là yêu cầu cơ quan cấp chứng chỉ phải đăng tải công khai thông tin của tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng chỉ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung quy định về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng; bổ sung quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động phá dỡ công trình, đánh giá an toàn công trình xây dựng, nguyên tắc cơ bản về đầu tư xây dựng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu, sản phẩm xây dựng tiết kiệm năng lượng.

rut ngan thoi gian cap phep xay dung tu 30 ngay xuong 20 ngay
Bộ Xây dựng đề xuất nhiều qui định đơn giản hóa TTHC trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Ảnh tư liệu

Bộ Xây dựng đề xuất quy định xác định loại, cấp và phân nhóm công trình xây dựng như sau: Loại công trình được xác định theo kết cấu và công năng sử dụng của công trình. Cấp công trình được xác định theo từng loại công trình căn cứ vào tầm quan trọng, quy mô, thời hạn sử dụng, yêu cầu kỹ thuật xây dựng, yêu cầu sử dụng công trình.

Căn cứ tính chất chuyên ngành và mục đích phục vụ, công trình xây dựng được phân thành các nhóm công trình chuyên ngành để phân cấp quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng như sau: Nhóm công trình nhà ở và công trình dân dụng khác (nhóm công trình dân dụng); Nhóm công trình công nghiệp; Nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật (trong và ngoài đô thị, không bao gồm các công trình giao thông); Nhóm công trình giao thông; Nhóm công trình thủy lợi; công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nhóm công trình quốc phòng, an ninh.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về công trình khẩn cấp, cấp bách chưa được quy định đầy đủ trong Luật Xây dựng hiện hành; bổ sung quy định về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, nội dung quản lý trật tự xây dựng; Làm rõ nội dung, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dưng; bổ sung quy định về thẩm quyền và trách nhiệm các chủ thể trong phá dỡ công trình; bổ sung quy định về đánh giá an toàn công trình xây dựng.

Dự thảo cũng đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Cụ thể, theo quy định của Luật Xây dựng 2014 các dự án đầu tư xây dựng thuộc các đối tượng dự án sử dụng vốn Nhà nước; vốn khác có quy mô lớn, ảnh hưởng an toàn cộng đồng, môi trường phải qua kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng qua 3 bước: thẩm định dự án/thiết kế cơ sở (thẩm định bước 1); thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công (thẩm định bước 2); cấp phép xây dựng.

Theo đề xuất tại Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, tất cả các dự án nêu trên đều chỉ qua 2 bước kiểm soát, cụ thể: Các công trình phải kiểm soát, thẩm định thiết kế bước 2 được miễn phép xây dựng (công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước có quy mô lớn); Các công trình còn lại, cơ quan cấp phép xem xét thêm một số nội dung cần thiết về hồ sơ thiết kế xây dựng để cấp giấy phép xây dựng, không thực hiện thẩm định bước 2. Trên nguyên tắc nêu trên, rà soát lại đối tượng miễn phép tương ứng, bổ sung quy định kiểm soát về điều kiện khởi công.

Về quản lý chi phí, đề xuất sửa đổi một số nội dung: Kiểm soát tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng của các dự án sử dụng vốn nhà nước: kiểm tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng; không kiểm tra về khối lượng và xác định giá trị tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng.

Đồng thời, thay việc công bố đơn giá, định mức bằng việc ban hành để bắt buộc áp dụng với dự án sử dụng vốn nhà nước và quy định các cơ quan ban hành định mức là Bộ Xây dựng, Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND địa phương.

Quy định chung về cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trong Dự thảo nêu rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp theo quy định của luật.

UBND cấp tỉnh quy định hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện quy định cụ thể về cấp giấy phép xây dựng đối với công trình, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc khu vực đã có quy hoạch đô thị; điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng; khu trung tâm cụm xã; khu bảo tồn; khu di tích lịch sử - văn hóa. Các quy định về giấy phép xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Đối với dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi phần hạ tầng kỹ thuật thuộc khu vực xây dựng công trình đã được triển khai theo quy hoạch xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/rut-ngan-thoi-gian-cap-phep-xay-dung-tu-30-ngay-xuong-20-ngay-154182.html

Theo Pháp luật xã hội