Tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội), ThS. Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Trung bình một ngày, khoa khám, cấp cứu 100-130 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan bia rượu. Tuy nhiên, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện tại khoa giảm chỉ còn khoảng 60-70 ca/ngày và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%.

Riêng ngày 7-1 trong ca trực của bác sỹ Hùng chỉ có 58 bệnh nhân nhập viện. Số lượng cấp cứu giảm 50% so với trước và không có ca nào gặp tai nạn giao thông do rượu, bia.

Trước đây, phần lớn các ca phải cấp cứu tại khoa Chấn thương chỉnh hình chiếm phần lớn là đa chấn thương nặng do uống bia, rượu. Bệnh nhân hầu hết là thanh niên, được đưa nhập viện thời điểm tối hoặc đêm muộn sau khi đi nhậu. Khi vào viện, sặc mùi bia rượu và có tình trạng nôn mửa, ảnh hưởng đến phản xạ cơ thể, gây khó khăn cho các bác sĩ trong xác định tình trạng chấn thương.

Bệnh nhân cấp cứu tại BV Thanh Nhàn do liên quan đến rượu, bia đã giảm (ảnh H.V)

Không chỉ giảm số ca tai nạn giao thông mà do người dân có ý thức hạn chế sử dụng rượu bia nên số ca nhập viện do ngộ độc đồ uống có cồn cũng giảm. Theo bác sỹ Lê Văn Dẫn, Phó khoa Chống độc, BV Thanh Nhàn trong những ngày qua, ghi nhận số liệu từ các tua trực cho thấy lượng bệnh nhân vào trong tình trạng ngộ độc rượu giảm đáng kể. “Đó là điều ý nghĩa cho cộng đồng, giảm tải áp lực cho các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu-Chống độc trong tua trực”, bác sỹ Dẫn bày tỏ.

Còn tại BV Hữu nghị Việt Đức, từ ngày 1 đến ngày 7-1-2020, tổng số bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện là 305 ca, trong đó tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn ethanol trong máu là 46, giảm 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Pháp luật & Xã hội