Theo đó, mức tăng lương bình quân cho cả 4 vùng là 7,3%, tương đương với mức tăng 213.000 đồng.

Như vậy, vùng I sẽ có mức lương tối thiểu cao nhất là 3,75 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng so với mức lương tối thiểu năm 2016.

Vùng II tăng thêm 220.000 đồng, đạt 3,32 triệu đồng/tháng.

Vùng III tăng thêm 200.000 đồng, đạt 2,9 triệu đồng/tháng.

Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng, đạt 2,58 triệu đồng/tháng.

Chốt phương án tăng lương tối thiểu 2017 với mức tăng bình quân cho cả 4 vùng là 7,3%

Trước đó, vào ngày 20/7, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu 2017, đó là: 

1) Tăng lương tối thiểu vùng ở mức 250.000 - 350.000 đồng/tháng, tương đương tăng 9,7-10,4% lương tối thiểu vùng đang áp dụng cho năm 2016

2) Tăng 200.000 - 300.000 đồng, tương đương tăng khoảng 8,6%

3) Tăng 200.000 - 250.000 đồng, tương đương tăng 7,1-8,3%

Như vậy, với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3 % thì phương án 3 đã được lựa chọn với mức tăng thấp nhất.

Lương tối thiểu chung: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Lương tối thiểu vùng: Áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam