Thị trường sữa đang chịu áp lực cạnh tranh của sữa ngoại (Ảnh TL)

Thị trường sữa đang chịu áp lực cạnh tranh của sữa ngoại 

Số liệu thống kê cho thấy, riêng trong tháng 2/2019, Việt Nam đã nhập khẩu 90 triệu USD sữa và sản phẩm từ sữa, tăng mạnh 64,8% so với tháng 2/2018.

Cũng số liệu thống kê này trong tháng 1 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa chỉ đạt 65 triệu USD, giảm 18,1% so với tháng 12/2018 và giảm 20,5% so với tháng 1/2018. Tính chung hai tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm từ sữa đạt 155 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về thị trường nhập khẩu, New Zealand vẫn là quốc gia cung cấp sữa nhiều nhất cho Việt Nam với kim ngạch 15,19 triệu USD trong tháng 1/2019. Tiếp theo đó là Singapore và Thái Lan, với kim ngạch lần lượt là 8,5 tiệu USD và 4,8 triệu USD, giảm 1,7% và 32% so với tháng 1/2018.

Hiện nay, thị trường nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam chủ yếu từ các nước Đông Nam Á, chiếm gần 26% tỷ trọng. Trong tháng đầu tiên của năm 2019, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường đều tăng trưởng số này chiếm 56,25%.

Từ năm 2010 đến nay, theo thống kê sơ bộ, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng gần 8 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm nước ta bỏ ra 817 triệu USD để nhập khẩu sữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Riêng đối với thị trường sữa bột tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu. Theo dự báo, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu sữa chính dần giảm về 0% thì sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn. Nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả thì rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi của mình.

Theo congluan.vn