Ví dụ, thay vì ăn đỗ đen, xôi đỗ đen thì sẽ ăn đỗ xanh hay đỗ đỏ để hi vọng gặp vận may. Rồi bước ra cửa chân trái, đi giờ hơn, về giờ kém,... có rất nhiều những kiêng kị truyền tai nhau từ xưa mà hiện nay vẫn được áp dụng.

Dù chưa có bằng chứng nào cho việc ăn đỗ đen, ăn trứng, ăn xôi lạc... sẽ khiến sĩ tử thi trượt, làm bài thi không tốt nhưng hầu hết đều lựa chọn giải pháp an toàn là "nói không" với những món ăn này.

Có thể kể ra những món ăn bị kiêng kị nhiều nhất vì "vận đen" mà nó bị gắn vào, đó là:

- Kiêng ăn chuối vì thí sinh lo sợ đi thi sẽ trượt vỏ chuối.

- Kiêng ăn chè đỗ đen, mặc quần áo màu đen vì đỗ đen có màu đen - đồng âm với từ “vận đen”.

- Kiêng ăn trứng vì trứng hình tròn giống điểm 0.

- Kiêng ăn mực vì có câu “đen như mực”.

- Kiêng ăn lạc vì đồng âm với từ “lạc đề”.

- Kiêng ăn bí vì sợ "bí" không làm được bài. 

- Kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt là những món ăn được cho là không đem lại may mắn...

Chè đỗ đen

Ngoài ra, còn có những điều kiêng kị về quan niệm khác nữa cũng được nhiều người áp dụng, tính toán khi chuẩn bị đến kỳ thi cử hay cho công việc hệ trọng.

Ví dụ như quan niệm “ra ngõ gặp gái” hoặc bà bầu không đem lại may mắn, do vậy nếu đi thi “gặp gái” hoặc bà bầu là quay về ngay. Ngoài ra, thí sinh ra cổng phải bước chân phải trước, chân trái sau. Người đưa đi thi phải hợp tuổi hoặc ít nhất là không xung tuổi với thí sinh.

Nhiều gia đình ở ngoại tỉnh, khi đưa con lên thành phố hay đi thi xa còn cẩn thận xem ngày xuất hành, giờ xuất hành để hạn chế những điều không may.

Cũng có những điều kiêng kị rất kỳ lạ và kinh khủng, ví dụ như kiêng cắt tóc ngay trước kỳ thi hay kiêng mặc áo mới khi đi thì vì sợ đen, sợ trôi mất kiến thức hay bay đi những may mắn đang có.

Trong ngày thi, gia đình thí sinh kiêng kị chuyện làm vỡ cốc chén, bát đĩa... vì lo ngại đó là “điềm báo” cho sự đổ vỡ.

Trứng luộc

Bên cạnh những điều kiêng kị thì thí sinh và gia đình cũng không quên ăn những món ăn may mắn, làm những việc "thuận" để thi cử được xuôi chèo mát mái.

Ví dụ như nấu xôi đỗ xanh, xôi gấc cho đỗ đạt, đỏ vận, ra cổng cố ý để gặp được người nam để may mắn, và cũng không ít thí sinh vẫn giữ tư duy sờ đầu rùa ở Văn Miếu để đỗ đạt, điểm cao. 

"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nhưng hơn hết vẫn nên kiêng kị ở mức độ vừa phải, không nên vì kiêng kị điều này điều kia mà quên mất việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho sĩ tử, tạo cảm giác quá căng thẳng, lo lắng khi vừa ra khỏi nhà hay đong đếm giờ giấc di chuyển. 

Việc quá kiêng kị này còn có thể dẫn đến tâm lý xấu cho các sĩ tử khi không may trên đường gặp điều không mong muốn hay quên mất ăn xôi gấc vào sáng nay, dẫn đến chất lượng bài thi kém đi.

 Nhiều thí sinh ăn xôi đỗ để mong muốn đỗ đạt may mắn

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, khi người ta lo sợ về vấn đề gì, họ sẽ nghĩ ra các tục kiêng để tránh vấn đề đó hoặc để trấn an tinh thần hoặc để đổ lỗi sau này. Do vậy mà việc kiêng cữ cũng chưa hẳn hợp lý hay có cơ sở nào để chứng minh là đúng.

Ví dụ, khi lo lắng về mất mùa thì con người sẽ nghĩ ra các tục kiêng để hy vọng không mất mùa. Hoặc dịp đầu năm lo lắng bị hạn thì làm lễ dâng sao giải hạn... Cũng như vậy, lo thi trượt sẽ tránh các yếu tố liên quan đến “trượt”, vận đen như ăn chuối, đỗ đen... với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Tiến sĩ Sơn cho rằng, các tục kiêng hay cố làm những việc để lấy may “không mang lại tác dụng gì”. Trong thực tế không có sự kiểm nghiệm đúng sai đến đâu. Do vậy có chuyện, mỗi vùng miền, địa phương lại đưa ra các tục kiêng khác nhau.

Ông Sơn cũng cho rằng, chuyện kiêng kỵ thể hiện tâm lý chờ may rủi, nhưng thi cử hiện nay không có chuyện may rủi, mà phụ thuộc vào năng lực, kiến thức cộng với tâm lý tốt khi làm bài.

Do vậy, không thể có chuyện cứ ăn xôi đỗ là thi đỗ, ăn chuối là thi trượt. Cũng như vậy, không có chuyện thí sinh đến Văn Miếu sờ đầu rùa  nơi đặt bia tiến sĩ là đỗ đạt. Thậm chí, sờ đầu rùa không những không có tác dụng, mà còn xâm hại di tích.

Do vậy mà, nếu sĩ tử có lỡ ăn trứng hay ăn đỗ đen hay có gặp bà bầu ngay đầu ngõ thì cũng không nên lo lắng. Điều quan trọng hơn cả là kiến thức vốn có của bản thân, tâm lý bình tĩnh, thoải mái làm bài, đó mới là những yếu tố quyết định sự thành công trong bài thi của bạn. 

Dù thế nào, các sĩ tử cùng gia đình cũng cần chú ý tới vấn đề dinh dưỡng, sinh hoạt và học tập điều độ để đảm bảo sức khỏe cho kỳ thi cam go sắp tới.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam