Là bệnh nhân quen thuộc của khoa Thalassemia, tầng 3, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Lang Thị Ngoan không giấu được vẻ mệt mỏi, xanh xao trong những ngày điều trị sau Tết Nguyên đán.

Cô gái 28 tuổi, quê ở huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh này từ khi chưa đi học tiểu học cũng bởi dáng vóc nhỏ bé hơn các bạn, lại vàng vọt yếu ớt.

Từ nhiều năm nay, cứ 2 tháng, Ngoan lại đi từ Nghệ An ra Hà Nội để truyền máu, thải sắt. Mỗi đợt, theo chỉ định, nữ bệnh nhân phải được truyền 4-5 đơn vị máu tuỳ lượng huyết sắc tố xét nghiệm. Nhưng không phải lần nào cô gái trẻ cũng được truyền đủ.

Bệnh nhân Lang Thị Ngoan (SN 1991), một trong những bệnh nhân đang mong chờ được truyền máu điều trị thalassemia

Bệnh nhân Lang Thị Ngoan (SN 1991), một trong những bệnh nhân đang mong chờ được truyền máu điều trị thalassemia

"Tôi mang nhóm máu O, nhóm máu luôn trong tình trạng thiếu trong các viện. Cũng không ít lần vừa truyền máu vừa nơm nớp không biết bao giờ được truyền tiếp rồi. Bệnh của tôi cứ phải chờ vào cộng đồng, xã hội hiến máu" - Ngoan nói.

Nữ bệnh nhân người dân tộc Thái chia sẻ, hôm thứ 6 tuần trước, cô làm xét nghiệm trước khi truyền máu thì biết huyết sắc tố xuống rất thấp. Tuy nhiên, vì lượng máu dự trữ trong viện không đủ, cô chỉ mới được truyền 1 đơn vị.

"Bác sĩ cũng động viên chờ đợi, truyền "cầm cự" 1 đơn vị trước. Vì thiếu nên máu phải ưu tiên những người cần gấp, bệnh nặng hơn. Nếu không có máu truyền đủ, bệnh nhân tan máu bẩm sinh như chúng tôi sẽ mệt mỏi, choáng, đi lại khó khăn vì không bước vững, ăn ngủ cũng khó khăn theo" - Ngoan chia sẻ.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dù đã cố gắng điều phối, nhưng chuyện những bệnh nhân mắc bệnh "thiếu máu là chết" như chị Ngoan không hiếm. Bởi bệnh nhân Thalassemia buộc phải truyền máu suốt đời. Nếu không được truyền máu, bệnh nhân sẽ gặp phải biến chứng trầm trọng như suy tim, gan, thận, rất dễ dẫn đến tử vong.

Tính đến ngày 17/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học lớn nhất cả nước này chỉ còn hơn 2.700 đơn vị máu, dự kiến chỉ đủ cung cấp trong 2- 3 ngày tới. Ảnh: V.Thu

Tính đến ngày 17/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học lớn nhất cả nước này chỉ còn hơn 2.700 đơn vị máu, dự kiến chỉ đủ cung cấp trong 2- 3 ngày tới. Ảnh: V.Thu

Trung bình mỗi ngày Viện cần khoảng 1.500 đơn vị máu để cung cấp cho nhu cầu cấp cứu và điều trị tại 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, riêng nhóm máu O phải cần tối thiểu gần 700 đơn vị máu mỗi ngày.

BSCKII Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Tính đến ngày 17/2, lượng máu dự trữ của Viện Huyết học lớn nhất cả nước này chỉ còn hơn 2.700 đơn vị máu, dự kiến chỉ đủ cung cấp trong 2- 3 ngày tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp cứu và điều trị cho người bệnh cần máu tại 26 tỉnh, thành phố.

Tại Chương trình phát động tuần cao điểm vận động hiến máu cho Lễ hội Xuân hồng chiều 17/2, nhiều bạn trẻ đã tham gia hiến máu

Tại Chương trình phát động tuần cao điểm vận động hiến máu cho Lễ hội Xuân hồng chiều 17/2, nhiều bạn trẻ đã tham gia hiến máu

Để kịp thời khắc phục tình trạng khan hiếm máu trầm trọng ngay sau Tết, 12 điểm hiến máu với dự kiến 1.500 đơn vị máu đang được Hội Thanh niên Vận động hiến máu tổ chức trước ngày chính thức của Lễ hội Xuân hồng.

Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII – năm 2019 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội và Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra liên tục trong 3 ngày 22 – 24/2/2019. Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào sáng 23/2/2019 (Thứ 7).

Với thông điệp "Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống”, lễ hội năm nay dự kiến thu hút 12.000 người đến tham dự, tiếp nhận tối thiểu 5.000 đơn vị máu cho điều trị. Người hiến máu sẽ có cơ hội nhận quà tặng hiến máu là gói xét nghiệm máu để biết thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe của mình.

Võ Thu

Theo Giadinh.net.vn