Kết quả của cuộc khảo sát thực phẩm này dựa vào phương diện giá trị dinh dưỡng và tính sẵn có của thực phẩm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xem xét liệu người dân tại đây có đủ ăn, có khả năng chi trả cho thực phẩm, thức ăn có chất lượng đảm bảo hay không và mức độ bệnh tật liên quan tới chế độ ăn uống này. Cuộc khảo sát diễn ra tại 125 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo kết quả khảo sát, Hà Lan xếp thứ nhất, tiếp đến là Pháp và Thụy Sĩ, Mỹ xếp hạng 21, Việt Nam đứng thứ 71. 

Nguồn thực phẩm Hà Lan được đánh giá là tốt nhất thế giới

Nguồn thực phẩm Hà Lan được đánh giá là tốt nhất thế giới

Nguyên nhân khiến Hà Lan dẫn đầu bảng xếp hạng là thực phẩm tại đây giá tương đối thấp, dinh dưỡng cao và tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường thấp so với các quốc gia châu Âu. Trong top 12 còn có Australia, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Ailen, Luxembourg và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, các nước này không đạt điểm cao trong tất cả lĩnh vực đưa ra đánh giá.

Mặc dù xếp thứ hạng cao nhất nhưng Hà Lan đồng thời có tỷ lệ béo phì ở mức 20%, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình của người dân là 30, trong khi con số tiêu chuẩn là 18 đến 25. Australia cũng có tới 27% dân số mắc chứng béo phì.

Xếp ở vị trí cuối bảng, Chad bị cho là nơi có chế độ ăn tệ nhất thế giới bởi thực phẩm rất ít dinh dưỡng, đắt đỏ và điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Cứ 3 trẻ em ở quốc gia này thì có 1 em bị suy dinh dưỡng thể thiếu ký.

Châu Phi là châu lục có chất lượng thực phẩm tệ nhất thế giới

Châu Phi là châu lục có chất lượng thực phẩm tệ nhất thế giới

Cũng nằm trong top cuối với Chad là các quốc gia châu Phi như Ethiopia, Angola, Yemen. Tại đây, thực đơn hàng ngày của người dân chủ yếu là ngũ cốc nghèo dinh dưỡng và rễ cây.

Cũng theo nghiên cứu, giá cả thực phẩm tại Mỹ phải chăng nhất thế giới và Angola có giá vượt xa nhất khả năng chi trả của người dân. Chất lượng thực phẩm cao nhất thuộc về Iceland và thấp nhất là Madagascar. 

Tỷ lệ bệnh tiểu đường cao nhất ở Ảrập Xêút và quốc gia đối phó với vấn nạn béo phì trầm trọng nhất là Kuwait. Ngược lại, béo phì rất ít gặp tại Bangladesh, Nepal và Ethiopia.

Tình trạng suy dinh dưỡng đang báo động tại Burundi, nơi có tới 67% dân số không được cung cấp đủ dinh dưỡng và 35% trẻ em nhẹ cân. 

Ngoài ra, nghiên cứu cũng liệt kê danh sách vấn đề cần lưu tâm cho các quốc gia bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, có biện pháp khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu và kiểm soát tốt giá cả thực phẩm…

Theo Vnexpress