Liên quan đến việc công ty Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỷ đồng. Đây là đợt thanh tra kéo dài 9 năm của cơ quan thuế đối với Coca-Cola Việt Nam từ năm 2007 – 2015 với nhiều sắc thuế khác nhau.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt CCBVL). Đến nay CCBVL đã nộp số tiền thuế gốc hơn 471 tỷ đồng, trong đó số thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng. Còn số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp chưa nộp, hiện Coca-Cola Việt Nam đang tiếp tục thực hiện.

Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỷ đồng

"Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định là ngày cuối cùng cùng của tháng 12, Coca-Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Hiện, Coca-Cola Việt Nam đang trong quá trình thực hiện. Nếu Coca-Cola Việt Nam chậm thì phải tiếp tục nộp tiền chậm nộp. Coca-Cola Việt Nam cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này". Ông Đặng Ngọc Minh cho hay.

Trước đó, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Thuế, ngoài số tiền thuế truy thu hơn 471 tỷ đồng, cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Ngoài ra, CCBVL còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng.

Về phía CCBVL, ông Peeyush Sharma - Tổng Giám đốc cho biết, từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2019, Tổng cục Thuế Việt Nam đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại CCBVL, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 – 2015. "Coca-Cola Việt Nam đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán. Trong quá trình thanh tra, Coca-Cola Việt Nam nhận ra đã mắc phải những sai sót nhỏ, và công ty đã thông báo với Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu. CCBVL luôn cam kết bảo đảm tuân thủ đầy đủ mọi yêu cầu và nghĩa vụ thuế tại địa phương"- ông Peeyush Sharma nói.

Trên các diễn đàn thời gian qua, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ bức xúc về việc doanh nghiệp này hoạt động 2 thập kỷ tại Việt Nam, kinh doanh trên đất nước Việt Nam và đươc hưởng nhiều ưu đãi từ nước sở tại nhưng "quên" đóng thuế là hành động khó chấp nhận.

Thông tin Coca-Cola bị truy thu thuế cũng được các facebooker chia sẽ trên rất nhiều diễn đàn với thái độ bức xúc. Đây không phải là lần đầu tiên Coca-Cola Việt Nam bị nhiều người Việt quay lưng và kêu gọi tẩy chay. Trước đây, doanh nghiệp từng bị Cục Thuế TP Hồ Chí Mình xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ "khủng".

Đến năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Công ty Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập doanh ngiệp. Theo cơ quan thuế, "bí quyết" để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí này lên đến 80 - 85%. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng.

Theo Báo Dân Sinh