Trước khi trình HĐND thông qua, UBND TP sẽ nghiên cứu kỹ, chuẩn bị đầy đủ cơ sở để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội cho TP HCM thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, TP được phép bổ sung các loại phí, hoặc mức phí mà TP thực hiện trên địa bàn vừa để điều tiết hành vi của người dân vừa góp phần tăng thu; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, thuế môi trường.

Ý kiến trái chiều

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính: Hoàn toàn có cơ sở!

Tại buổi họp báo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện tài chính – ngân sách quý I/2019 tổ chức chiều 5/4, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo điều 5 Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM có nêu: Hội đồng nhân dân thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

"Như vậy, nếu TPHCM có kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia thì hoàn toàn có cơ sở, căn cứ vào Nghị quyết đã được ban hành," bà Hằng cho biết.

tp hcm muon tang thue ruou bia van con nhieu ban khoan
Ảnh minh hoạ

Với câu hỏi tăng thuế suất với rượu bia có góp phần giảm sử dụng các sản phẩm này không, đại diện Vụ Chính sách thuế cho rằng, trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm này là một trong những biện pháp để hạn chế tác hại của rượu bia.

Về số thu từ mặt hàng rượu bia thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, năm 2017, số thu với rượu là 342 tỷ đồng; năm 2018 là 415 tỷ đồng. Với bia, số thu từ mặt hàng này năm 2017 là 43.153 tỷ đồng và năm 2018 là 32.154 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Nhã (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội): Nên cân nhắc!

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia sẽ phải qua nhiều bước. Theo quy định, TP.HCM sẽ xem xét, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất tăng thuế.

Tuy nhiên, TP nên cân nhắc các mặt, liệu đánh thuế có giảm lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này hay không. Tuy nhiên, việc tăng thuế này sẽ ảnh hưởng đến cả người sản xuất và người tiêu dùng. Có thể một số doanh nghiệp sản xuất bia trên địa bàn sẽ cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất sang các địa phương lân cận.

Hơn nữa, cơ chế đặc thù cho TP.HCM chỉ thí điểm đến năm 2020, sau đó Chính phủ sẽ sơ kết 3 năm thực hiện nghị quyết 54 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020. Về lâu dài, mức thuế mặt hàng này rất có thể sẽ được nâng lên trong phạm vi cả nước. Do đó, TP.HCM nên cân nhắc việc tăng thuế này.

Một chuyên gia về kiểm toán (đề nghị không nêu tên): Bia, rượu từ các địa phương khác sẽ tràn vào!

TP.HCM cần cân nhắc thấu đáo việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Về nguyên tắc, tăng thuế là để tăng thu nhưng việc TP tăng thuế rượu, bia chưa chắc đã giữ mức thu như cũ mà có thể giảm vì lượng sản xuất giảm mạnh.

Trong khi đó, lượng sử dụng rượu, bia trên địa bàn khó giảm do sản phẩm này sẽ được nhập từ các địa phương lân cận - nơi có thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn. TP.HCM là một thị trường lớn, có thể nói sôi động nhất về tiêu thụ rượu, bia. Nếu nhà máy tại đây giảm sản lượng sản xuất thì sẽ được bù đắp bởi sản lượng được sản xuất ở các địa phương xung quanh. Thực tế rượu, bia để lại tác hại lớn đối với xã hội khi bị lạm dụng. Có thể người ta cho rằng tăng thuế để hạn chế sử dụng bia, rượu.

Tuy nhiên, đây là mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân nên rất mong TP lấy ý kiến của người sản xuất, người tiêu dùng, của dư luận xã hội, góp ý của chuyên gia để có quyết định phù hợp, đảm bảo chính sách đưa ra đạt mục tiêu đặt ra.

Tân An

Theo tbck.vn