Mới đây, khi lịch trình của bệnh nhân 979 được công bố, đồng loạt trên mạng xã hội đã xuất hiện một cụm từ mới, đó là “thánh liên hoan”. Phần đông người dùng mạng xã hội có ý chê trách, chế giễu bệnh nhân này. Câu chuyện ở đây không nói có đúng hay sai, mà rõ ràng dù cố ý hay vô tình, vẫn đâu đó người ta nhận thấy có sự kì thị với bệnh nhân Covid-19.
Kể từ khi “Covid-19” trở nên quen thuộc và thành nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam, thì việc công bố lịch trình của bệnh nhân cũng có bao nhiêu câu chuyện để nói. Mỗi lần công bố là một lần người ta săm soi, sợ hãi rồi suy đoán. Có những lịch trình của một số bệnh nhân khiến cả mạng xã hội “dậy sóng”, người ta hả hê suy đoán chuyện lộ “ổ con chuồn chuồn”, người ta rúc rích cái chuyện “tiếp xúc gần” hay mỉa mai, suy luận chuyện ả này tình tính tang với chàng kia…
Và sau những suy đoán là lúc các "thánh chém" được dịp hoạt động trên bàn phím. Mỉa mai chưa đủ, họ còn miệt thị, có những người ác miệng còn rủa xả.
Việc liên hoan nhiều có phải cái tội không? Nó không ảnh hưởng đến ai, càng không vi phạm các quy chuẩn về đạo đức. Thậm chí trong tất cả những người vẫn đang yên bình ngoài kia, có những người góp tiền đều đều hàng ngày cho các quán nhậu. Vậy có ai lên án, có ai rủa xả, cũng có ai nói họ vi phạm các quy chuẩn đạo đức hay không?
Lý do người ta cười, người ta hả hê chỉ bởi đó là bệnh nhân Covid-19. Những bình luận, những cười nói sẽ qua nhanh với người gõ phím, nhưng với bệnh nhân, nó lại là một sự ám ảnh, nó không khác một sự kì thị. Như thể một người đang bị lột trần và chịu đấu tố giữa cả một đám đông.
Đã bao nhiêu lần người ta kêu gọi xin đừng kì thị bệnh nhân Covid-19. Lịch trình của bệnh nhân được công bố công khai để mỗi người tự tham chiếu, tự nhận thức và để tự bảo vệ mình chứ không phải để tất cả mọi người "giương cung bạt kiếm" chiến đấu chống lại người khác.
Lại nhớ mới đây báo chí có đăng tải câu chuyện của một bệnh nhân, nguyên là nhân viên của Công ty Trường Sinh nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai dạo nọ. Chị kể rằng, mặc dù đã chữa khỏi, câu chuyện đã qua vài tháng, nhưng hàng xóm mỗi lần thấy chị đều réo hỏi: “Con Covid kia mày khỏi bệnh chưa đấy?”.
Không ai muốn mình mắc bệnh, trước hết là bởi vì họ, sau là gia đình, người thân họ. Bệnh tật vốn đã chẳng sung sướng gì, có ai lại muốn nhớ mãi đến cái đoạn thời gian khủng hoảng ấy. Cũng có ai cố tình đi lây bệnh cho người khác đâu, bởi ai cũng hiểu, khi dịch bệnh xảy ra, giữ an toàn cho cộng đồng là cho chính mình.
Thế thì việc kì thị, việc hả hê hay việc rẻ rúng người bệnh, thái độ chờ mỗi lần công bố lịch trình của người bệnh để bình luận, để câu like có phải là cách để cùng phòng chống dịch bệnh hay không?!
Không chỉ mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí cả các trang báo đều ồ ạt đăng tải, kiếm thêm ít view từ người đọc. Việc ấy có khiến chúng ta an toàn hơn trong bão dịch hay không? Và vô hình chung, những hả hê, những mỉa mai, rỉa rói ấy khiến người bệnh ngại ngần trong việc khai báo, sẽ xảy ra hay không việc gian dối để tránh biến thành trung tâm của dư luận. Tin là sẽ có!