Số liệu báo cáo cho hay, tổng số chuyến bay khai thác trong tuần qua của 4 hãng hàng không này là trên 5.700 chuyến bay, trong đó, có 887 chuyến chậm và hủy, chiếm 15,3%.

Là hãng hàng không giá rẻ với lưu lượng khách phục vụ đông, tuần qua, VietJet Air đứng "đầu bảng" về tỷ lệ chậm và hủy chuyến với 21,4% trong tổng số trên 2.300 chuyến khai thác. Trong đó có 502 chuyến chậm và 1 chuyến hủy.

Tiếp đó là Vietnam Airlines với hơn 300 chuyến bay bị chậm trễ, chiếm tỷ lệ 11,4% và số lượng hủy chuyến lớn nhất trong 4 hãng, lên tới 11 chuyến trong tuần.

 Thống kê số lượng chậm chuyến, hủy chuyến của 4 hãng hàng không Việt Nam.

Hãng hàng không Jetstar Pacific có số chuyến bay bị chậm là 63 chuyến trên tổng số 530 chuyến bay thực hiện.

Đối với hãng hàng không Vasco, với 256 chuyến bay khai thác, chỉ có 3 chuyến chậm trễ, chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 4 hãng hàng không. Tuy nhiên, số lượng hủy chuyến lại khá cao, có tới 6 chuyến bị hủy trong tuần qua, chiếm 2,3%.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng chuyến bay bị "delay" tăng mạnh là do máy bay về muộn. Tuần qua, đã có 608 chuyến bay trễ giờ bởi máy bay về muộn, chiếm 70%. 

Nguyên nhân chủ quan từ chính các hãng hàng không cũng là một phần khiến cho các chuyến bay chậm trễ gia tăng, chiếm tới gần 20% tỷ trọng chậm chuyến.

Ngoài ra còn các nguyên nhân được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá như trang thiết bị và dịch vụ tại cảng hành không, quản lý và điều hành bay, thời tiết, kỹ thuật, khai thác và các lý do khác khiến cho tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra.

Theo Vân Hà/Reatimes