Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 diễn ra sáng 11/1 với 2 hội thảo chuyên đề: “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững” và “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” đã vạch ra nhiều thuận lợi và cơ hội cho Việt Nam.

Theo đánh giá, kinh tế Việt Nam đã có những thành công bứt phá trong năm 2017 như tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Nhóm đại biểu cũng đặt ra những băn khoăn cho năm 2018, liệu những thành công này còn tiếp tục được duy trì trong bối cảnh hội nhập, nhiều hiệp định FTA được triển khai, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sớm bị xóa bỏ? 

Phát biểu mở đầu phiên chuyên đề “Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững”, ông Nguyễn Văn Bình -Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Năng lượng là yếu tố quan trọng là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, tại văn kiện Đại hội Đảng XII vừa qua Đảng ta đã nêu định hướng trong phát triển công nghiệp là tập trung vào một số ngành có nền tảng có lợi thế so sánh, có ý nghĩa chiến lược.

"Năng lượng chính là ngành Công nghiệp có ý nghĩa nền tảng và ý nghĩa chiến lượng như vậy”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong năm 2007 Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 18 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 trong đó nhấn mạnh cần quan tâm phát triển năng lượng sạch, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển năng lượng quốc gia còn một số hạn chế. Như khi xây dựng cơ chế chính sách chưa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thiếu nguồn lực để thực hiện và ngược lại viêc đánh giá hiệu quả để bổ sung chính sách còn chưa kịp thời”, ông Bình cho hay.

Có thể thấy, thực tế nhu cầu năng lượng trong phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng cao và gây sức ép lên hạ tầng cơ sở đòi hỏi nguồn cung rất lớn trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế.

Do vậy mà việc đa dạng hóa hệ thống năng lượng phải dựa vào nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và song song với phát triển hạ tầng năng lượng, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ khí dốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng không tái tạo việc sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch làm gia tăng hiệu ứng nhà kính diễn biến khí hậu gây ô nhiễm môi trường nên việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế có khả năng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, điện nhiệt hay sinh khối là nhu cầu tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Bình cho hay: "Phát triển năng lượng xanh đang là xu thế mới làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành này nhờ bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cường độ bức xạ mặt trời lớn, nhiều cánh đồng gió tiềm năng…"

Đồng tình với ý kiến này, Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, Việt Nam hiện nay ở vị trí rất tuyệt vời để chuyển sang phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo ông John Kerry, yếu tố năng lượng hỗn hợp, gồm sức gió, nhiệt hạch hay thủy điện Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đây chính là những điều kiện để Việt Nam linh hoạt nhiều hơn chọn lựa chiến lược phát triển nguồn năng lượng bền vững hơn trong tương lai.

Vị cựu Ngoại trưởng này cũng cho rằng, năng lượng mặt trời, sức gió và sinh khối vượt trội hơn than đá về mọi mặt như vấn đề không gây ra bệnh tật, đảm bảo chất lượng không khí và tuần hoàn nước... Chúng ta có thể thay đổi chi phí về năng suất, chi phí sức khỏe, chất lượng cuộc sống, nguồn nước và giảm số lượng khí CO2 trong không khí nhờ năng lượng tái tạo.

Do đó, ông Kerry nhấn mạnh: “Việt Nam thực sự cần xây dựng cơ chế để các bạn có thể sử dụng năng lượng sạch với ngân sách ít hơn, điều này khiến ngân sách của các bạn có thể tiết kiệm hơn”.

Theo Vân Hà/Reatimes.vn