Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu: Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực tập trung triển khai thực hiện tốt một số công việc sau:

Thứ nhất, Giám đốc Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn; trong đó, chú trọng các công việc:

a) Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn (gạo nếp, gạo tẻ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, trái cây, bánh kẹo, bia, rượu, nước ngọt, hoa, cây cảnh, cước vận chuyển hành khách, giá trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, vé tham quan...) để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các địa phương có xảy ra lũ lụt.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

b) Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan (Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa thông tin, Công thương, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Hải quan, Thanh tra, Công an, Thuế...):

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá như: lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, khí LPG, cước vận tải và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật...; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá từ ngày 01/01/2017 theo quy định.

Tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.

- Phối hợp với Cục Thuế tăng cường đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế và chuyển giá, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung chi không thiết thực, không chấp hành đúng quy định về thủ tục hồ sơ, chế độ.

- Sở Tài chính 4 tỉnh bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền về việc quản lý, sử dụng, báo cáo và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, đảm bảo việc chi trả trực tiếp đến người dân bị thiệt hại, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát về quy trình tiếp nhận, quản lý, chi trả kinh phí bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng theo đúng quy định.

c) Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết.

d) Đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật phí và lệ phí:

- Đối với các dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá: Sở Tài chính thường xuyên theo dõi tình hình giá cả các dịch vụ trên địa bàn, chủ động rà soát đối với các khoản phí và lệ phí đã được quy định tại Pháp lệnh phí và lệ phí nhưng nay không có tên trong Luật phí và lệ phí do đã đổi tên hoặc chuyển một phần từ phí sang thực hiện theo cơ chế giá để kịp thời tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, biện pháp quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá: cần xây dựng phương án và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành giá dịch vụ theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để kịp thời thực hiện từ ngày 01/01/2017. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hiện hành thì cần có lộ trình điều hành phù hợp, tránh xáo trộn lớn; đồng thời, cân nhắc với dự kiến điều hành giá các hàng hóa dịch vụ khác thuộc thẩm quyền của địa phương, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

đ) Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, căn cứ điều kiện thực tế, khả năng cân đối ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính, tín dụng khác của địa phương, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trong quá trình triển khai Chương trình bình ổn thị trường, chủ trọng mở rộng phương thức kết nối các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp tham gia Chương trình, gắn kết với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các hình thức linh hoạt như: Tuần hàng Việt, phiên chợ Việt, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu công nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa; kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bán hàng hóa với giá cả và chất lượng theo đúng cam kết của Chương trình.

e) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ chính xác và kịp thời về các giải pháp điều hành của Nhà nước, về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường cả nước, các tỉnh lân cận trước, trong và sau Tết; Chương trình bình ổn thị trường của tỉnh (mặt hàng, giá cả, địa điểm bán) gắn với tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh tuyên truyền ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt thiếu chính xác gây bất ổn thị trường, giá cả.

g) Kiểm tra, đôn đốc, thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường trước, trong và sau Tết quy định tại Mục II Chỉ thị này và các văn bản liên quan.

Nội dung chi tiết xem tại đây.

Theo An Nhi (Tổng hợp)/Gia đình Việt Nam