Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực bất động sản có 3.893 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 232.991 tỷ đồng, chiếm 30,2% trên tổng vốn đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực dẫn đầu về số lượng vốn đăng ký của tất cả lĩnh vực trong 7 tháng qua.

Kể từ thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc lấn sân, mở rộng ngành sang lĩnh vực có giá trị tài sản lớn nhất này. Trong báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp mới xuất hiện trên thương trường bất động sản luôn đứng ở vị trí “top” đầu những năm trở lại đây.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những con số này cho thấy tính hấp dẫn lớn của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia lý giải rằng, thị trường này vẫn là miếng mồi ngon, luôn luôn có nhu cầu; trong khi đó, thị trường chứng khoán có dấu hiệu lao dốc, thị trường vàng mất tính hấp dẫn. Chưa kể, tình trạng sốt đất nền cục bộ, xuất hiện nhiều dự án khiến cho nhiều người nhận thấy đây là kênh đâu tư kiếm lời nhanh và hiệu quả nên nhảy vào.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với những dấu hiệu như sốt đất cục bộ, biến động của thị trường sau hàng loạt công cụ quản lý “khô cứng” cùng lượng cung giảm mạnh tại Hà Nội và TP.HCM khiến các chuyên gia e ngại rằng: Đây là thời điểm đầy thách thức và khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản. Và đã đến lúc cần phải có cuộc thanh lọc mạnh để tạo tính minh bạch cho thị trường.

Trước đó, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đưa ra dự báo rằng, giữa năm 2018 đến năm 2019, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Đặc biệt, thị trường bất động sản cũng cần phải cẩn trọng bởi các dấu hiệu khủng hoảng.

Biến động mạnh của nền kinh tế thế giới với cuộc chiến tranh thương mại và tình hình trong nước với dòng vốn tín dụng bắt đầu thắt chặt sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn hơn.

Dù thời gian đần đây, tín hiệu thị trường bất động sản Việt Nam luôn dẫn đầu trong lĩnh vực thu hút lượng vốn lớn từ nước ngoài khiến giới đầu tư lạc quan, song vẫn chưa đủ làm an tâm giới chuyên gia và phân tích.

Theo bà Bùi Thúy Vân (Trưởng khoa Kinh tế đối ngoại, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản là một lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn FDI nhưng giá trị gia tăng thực tế từ khoản tiền này đem đến cho thị trường lại không nhiều.

Bà Vân cũng cho hay: “Dòng vốn FDI thường đầu tư vào phân khúc nhà ở, văn phòng cao cấp. Thực tế, đây là phân khúc dư thừa nguồn cung, chưa đáp ứng được nhu cầu thật sự về nhà ở khiến lợi ích thực sự của FDI vào thị trường bất động sản giảm, làm tăng nguy cơ khủng hoảng".

Trả lời phỏng vấn báo chí, chuyên gia Phạm Chi Lan từng nói: "Dù sao thì bất động sản cũng có vai trò nhất định trong nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng đây không phải là ngành cơ bản mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài. Muốn phát triển lâu dài thì phải tạo ra nhiều giá trị, ra sức lan tỏa, sản phẩm phải có thể cạnh tranh được trên thế giới". Hơn nữa, "đóng góp từ bất động sản cho nền kinh tế không cao, chưa kể nó hút nguồn lực đất đai và tín dụng, khiến các doanh nghiệp khác cũng khó khăn hơn", bà cho biết.

Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: “Số doanh nghiệp mới thành lập khiến tôi lo ngại bởi biết đến bao giờ họ mới lấp đủ các chỉ tiêu như đã đăng ký, ví dụ: Số công ăn việc làm, tiền thuế…

Nhưng nếu doanh nghiệp đóng cửa thật,sựmất mát mà chúng ta nhìn thấy trước mắt là khối lượng công ăn việc làm bị giảm, ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế. Còn doanh nghiệp mới, tôi không dám chắc về con đường tương lai của họ bởi bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn ghi dấu ấn trên thương trường cần phải có thời gian”.

Theo Reatimes.vn