Nỗi xót xa của cha mẹ khi con mình là một trong những học sinh ở Đồng Nai ngộ độc nghi do sữa Nutifood

Ngày 6/8/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4019/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thực hiện chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020. Hiện tại, chương trình đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa cho trẻ, do đó chưa chính thức công bố hãng sữa. 

Tuy đã được cung cấp thông tin về mục tiêu, nội dung thực hiện song phụ huynh vẫn băn khoăn về những thông tin như chất lượng sữa như thế nào, đơn vị nào cung cấp và quy trình quản lý chất lượng sữa ra sao? (Ảnh minh họa).

Trước tình hình đó, đã có không ít bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng cùng nhiều phân vân khi phải đứng trước quyết định nên hay không nên cho trẻ tham gia vào chương trình này. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc vào đầu tháng 3 năm nay, tại trường tiểu học Phạm Văn Đồng và trường mầm non Phú Lộc, thuộc địa bàn xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ việc 73 học sinh ngộ độc nghi do sữa Nutifood.

Sự việc xảy ra khiến cho các bé phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn mửa… Các cơn đau bụng nặng theo cơn, đau đầu và nổi da gà khi lên cơn đau, mắc ói và đau các khớp, cơ chân, tay trong nhiều ngày liên tiếp khiến cho bố mẹ các bé không khỏi xót xa khi phải bất lực chứng kiến con phải chịu đựng và trải qua cảm giác như vậy.

Vụ việc các bé bị ngộ độc nghi do sữa Nutifood khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng. (Ảnh: Báo Phụ nữ TP.HCM).

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho biết, mẫu sữa được lấy tại trường tiểu học Phạm Văn Đồng là sữa tươi tiệt trùng có đường, hộp giấy 180ml Nuti ST 100%, kết quả mẫu sữa có các chỉ tiêu yêu cầu kiểm nghiệm đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP Đồng Nai cho rằng, với kết luận nói trên đã xác định sữa không nhiễm vi sinh. Theo nhận định ban đầu, có thể nguyên nhân do cơ địa một số học sinh, trẻ mầm non chưa thích nghi với loại sữa uống ban đầu nên đã gây ra hiện tượng kích thích đường ruột.

Tuy nhiên, hơn 2 tháng ròng, một vài bé trong số 73 em học sinh bị ngộ độc vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho tình trạng sức khỏe của các em giảm sút một cách nghiêm trọng, tình trạng đau bụng diễn ra trong một thời gian dài dù đã đi khám chữa ở rất nhiều nơi, những cơn đau dai dẳng kèm một số triệu chứng kỳ lạ khiến bố mẹ đau thắt lòng, và càng đáng lo hơn khi nhiều bậc phụ huynh phải mòn mỏi chờ đợi kết luận về mối liên quan giữa bệnh của các bé với việc uống sữa.

Tuy nhiên, vào sáng ngày 6/5, tức là đã sau 66 ngày từ vụ ngộ độc và 20 ngày kể từ ngày hẹn công bố kết quả, làm việc với báo chí, ông Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nói: “Đến lúc này, vẫn chưa có câu trả lời”.

Không dừng lại ở đó, khi được hỏi về việc tại sao ngành y tế tỉnh Đồng Nai không lấy mẫu nôn và xét nghiệm chất nôn của trẻ ngay từ đầu, ông Trung trả lời: “Tôi xin tiếp nhận câu hỏi nhưng xin phép không trả lời”.

Vậy là, sau một thời gian dài, các câu hỏi cần lời giải đáp vẫn được bỏ ngỏ, mặc cho những cơn đau hoành hành lên thân xác những đứa trẻ vô tội, kèm theo đó là sự xót xa khi phải bất lực đứng đó nhìn những đứa con của mình chịu đau đớn của các bậc phụ huynh. Bất lực khi không thể chịu đau thay con, bất lực khi chẳng có bằng chứng hay kết luận rõ ràng trong vụ việc này... Để rồi, họ chẳng còn biết phải kêu ai?

“Cứ nghĩ đến vụ ngộ độc ở Đồng Nai là tôi cùng nhiều phụ huynh khác cảm thấy lo sợ vô cùng”

Câu chuyện buồn diễn ra vào đầu tháng 3 năm nay đã khiến cho không ít người hoài nghi về chất lượng sữa được sử dụng trong chương trình Sữa học đường đang được áp dụng tại một số địa bàn trên toàn quốc.

Anh Bùi Cát Hải (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thực ra các bé ở nhà tôi đều được uống sữa mỗi ngày. Mỗi ngày không phải là một hộp mà có thể là một vỉ 4 hộp. Tuy nhiên, nếu trường học thực hiện chương trình nào đó, tôi nghĩ cũng có thể cân nhắc để tham gia cho các bé có cơ hội hòa đồng với bạn bè. Thế nhưng cứ nghĩ đến vụ ngộ độc ở Đồng Nai là tôi cùng nhiều phụ huynh khác cảm thấy lo sợ vô cùng. Chỉ sợ nhỡ may một lần nữa xảy ra như vậy thì thương các con lắm.”

Cùng suy nghĩ với anh Hải, chị Phương Dung (Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: “Tham khảo một vài người và tìm hiểu về chương trình này, tôi thấy cũng có ích, thế nhưng tôi chưa dám chắc sẽ đăng ký cho con tham gia bởi cũng chưa biết được chất lượng sữa thế nào, mà bây giờ thì cũng chưa cả biết hãng sữa nào sẽ được sử dụng trong chương trình nữa.”

“Nếu không xảy ra vụ việc học sinh ở Đồng Nai bị ngộ độc chắc tôi cũng sẵn sàng đăng ký cho con mình tham gia, thế nhưng, kể từ khi biết được chuyện đó, tôi không thể không lo lắng. Nếu con mình cũng bị như thế, rồi lại không xác định được nguyên nhân như vụ đó thì biết đổ trách nhiệm cho ai? Bệnh tật thì con mình vẫn phải chịu. Thôi thì cứ cố gắng chịu tốn kém một chút, tự mua sữa cho con mình uống vậy”, chị Ngọc (Long Biên, Hà Nội) nói.

Sữa học đường là một chương trình bổ ích, đạt hiệu quả tốt nếu thực hiện đúng quy chuẩn.

Ngộ độc do sữa ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ?

Ngộ độc là một loại bệnh khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, tưởng chừng không quá phức tạp, thế nhưng lại khá nguy hiểm, khiến tinh thần và sức khỏe bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, mệt mỏi. Nếu bị nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Cho đến thời điểm hiện tại, chương trình Sữa học đường vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đấu thầu nên thông tin doanh nghiệp cung cấp sữa chưa được chính thức công bố, điều này càng khiến cho nhiều bậc phụ huynh băn khoăn và lo lắng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ y tế) cho biết: “Sữa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi hết hạn hoặc bị hỏng. Khi đó, các thành phần trong sữa biến đổi thành các chất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu bảo quản ở nơi điều kiện không đảm bảo, sữa chưa hết hạn vẫn có thể hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng”.

“Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nguy cơ ngộ độc cấp từ sữa pha sẵn. Nguyên nhân có thể do dụng cụ chứa đựng sữa (bình, chai, lọ…), dụng cụ pha sữa không đảm bảo bị nhiễm vi sinh vật. Nguồn nước dùng để pha sữa nếu không phải là nước sạch hoặc nhiễm vi sinh vật cũng có thể gây ngộ độc. Thậm chí, bàn tay của người pha sữa có nhiễm vi khuẩn cũng khiến người uống gặp nguy hiểm. Ngoài ra, việc bảo quản không đúng cách sữa bột sau khi mở nắp cũng có thể khiến vi sinh vật trong không khí xâm nhập vào bên trong và gây ngộ độc cấp khi sử dụng. Bệnh nhân khi bị ngộ độc cấp thường có những triệu chứng điển hình như: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói thêm.

Theo Hằng Trần/Reatimes