Liên quan đến việc người dân phản ánh tại chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) thuộc khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội đã và đang diễn ra tình trạng thu phí người vào chợ với mức giá 3.000 đồng/lượt, trong khi những nhân viên trông trạm “BOT” không có bất cứ trang phục, thẻ đeo, PV đã liên hệ với Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam để tìm câu trả lời.

 

Theo Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam không có chuyện thu phí với mức giá 3.000 đồng/lượt như người dân đã cung cấp và cho rằng dư luận, người dân đang hiểu nhầm sự việc.

Tình trạng thu phí người dân vào chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) đã diễn ra trong suốt thời gian dài.

Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam cho biết, khi người dân đi vào chợ theo quy định bắt buộc phải để xe, gửi xe bên ngoài. Phí gửi xe là 3.000 đồng/lượt nhưng do thực tế số lượng người ra vào tại những thời gian cao điểm quá đông, diện tích chợ đầu mối phía Nam lại lớn (gần 03 ha) khiến người dân vào chợ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển cũng như diện tích gửi xe hạn chế và người dân cũng có ý kiến về việc này nên Ban quản lý chợ đã cho phép người dân đi phương tiện vào trong chợ.

“Để tạo điều kiện cho người dân, phía Ban quản lý đã tạo điều kiện để người dân đi phương tiện vào chợ. Phí 3.000 đồng/lượt được coi là phí gửi xe”, một đại diện Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam nói.

Về việc này, Ban quản lý chợ khẳng định thêm, việc thu phí là tự hiểu “ngầm” với nhau, về văn bản không có quy định nào quy định được phép thu phí người vào chợ. Còn nếu có tình trạng thu phí người dân đi bộ vào chợ thì Ban quản lý chợ cho rằng có thể do “hiểu nhầm” từ phía những người thu phí.

Nhân viên gác trạm “BOT” không đồng phục, thẻ đeo.

Thực tế theo ghi nhận của PV, tại 03 cổng vào tại chợ đầu mối phía Nam, dù Ban quản lý đã khẳng định việc thu phí trên được coi như phí gửi xe nhưng phía nhân viên gác trạm “BOT” lại đưa vé theo một cách đầy ngẫu hứng, người đưa, người không. Vậy làm thế nào phía Ban quản lý chợ có thể thống kê, kiểm toán, quản lý được đầy đủ số tiền đã thu và số tiền trên được những người không rõ danh tính kia thu được sử dụng, đưa đi đâu sau khi kết thúc phiên chợ?

Nhiều bình luận cho rằng, việc nhân viên gác trạm “BOT” chợ không hề mặc đồng phục, cũng không hề có giấy tờ gì chứng tỏ họ có thể là người của Ban quản lý chợ. Thậm chí, có người còn hoài nghi về việc đây có phải việc thu phí tự phát theo hình thức “bảo kê” không?

Về việc này, Ban quản lý chợ cũng chưa đưa ra bình luận và nói về danh tính cũng như thẩm quyền, chức năng của những người thu phí tại chợ đầu mối phía Nam. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng từ chối cung cấp về việc kiểm toán, quản lý phí thu tại chợ vì cho rằng đây là “chuyện riêng” của Ban quản lý.

Được biết, chợ đầu mối phía Nam do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) làm chủ đầu tư và được đưa vào sử dụng từ năm 2008 và không thu phí người dân vào chợ. Tuy nhiên, tình trạng “BOT” thu phí đã và đang diễn ra trong nhiều năm bất chấp quy định mà không bị phát hiện, xử lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc... 

Theo Hà Liên/Đô Thị Mới