Sữa rửa mặt tẩy da chết không thấy tem nhãn tiếng Việt tại địa chỉ 179 Chùa Bộc. Ảnh: Bảo Loan

Sữa rửa mặt tẩy da chết không thấy tem nhãn tiếng Việt tại địa chỉ 179 Chùa Bộc. Ảnh: Bảo Loan

Hàng nào cũng “chính hãng”

Báo Gia đình & Xã hội số 122 (ra ngày 13/10) đã thông tin, thời gian qua, tình hình kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng mỹ phẩm ngày càng gia tăng đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Sau bài viết trên, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin từ độc giả nghi ngờ về nguồn gốc một số loại mỹ phẩm được bày bán tại một số cửa hàng trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội).

Chị Phùng Thị Tâm (28 tuổi, ở Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua một chai xịt khoáng, ghi tên hãng Vichy, có dung tích là 150ml với giá 210.000 đồng, tại một cửa hàng mỹ phẩm ở phố Chùa Bộc. Khi mua thì nhân viên tư vấn tại đây khẳng định sản phẩm là hàng “chuẩn”, tức là hàng nhập khẩu chính hãng. Thế nhưng, khi về nhà, em gái tôi mới sử dụng phầm mềm kiểm tra mã số, mã vạch để kiểm tra thì cho kết quả là một sản phẩm xịt khoáng có nhãn hoàn toàn khác với loại tôi đã mua”.

Chị Tâm cho biết thêm, trên nhãn sản phẩm chị đã mua có dòng chữ “Eau Thermale Minéralisante, 150g, 5,1FL.OZ”, thân chai có màu xanh nước biển chủ đạo, nắp chai màu trắng. Trong khi, sản phẩm sau khi kiểm tra theo mã vạch lại là chai xịt khoáng dưỡng da “Thermal Spa Water, 150g, 5,07FL.OZ”, thân chai màu trắng và nắp chai màu xanh. Chưa kể, khi sử dụng, chai khoáng không phun sương như những sản phẩm chị đã dùng. "Đến lúc này thì tôi thực sự lo về chất lượng sản phẩm, chị Tâm nói.

Trường hợp của chị Nguyễn Lan Anh (26 tuổi, ở Nhân Hoà, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tương tự. Chị Lan Anh cho biết: “Nhân viên ở cửa hàng mỹ phẩm trên phố Chùa Bộc tư vấn, sản phẩm ở đây là hàng nhập khẩu chính hãng và còn có giá bán hợp túi tiền người dùng. Do đi mua hàng vào buổi tối và tin tưởng nhân viên tư vấn nên tôi đã mua 3 gói mặt nạ đắp mặt và một cây son môi có xuất xứ Hàn Quốc. Lúc sử dụng, tôi thấy son có mùi hắc, khó chịu, thậm chí son vón cục trên môi. Sản phẩm đắp mặt thì khi tra cứu, tôi thấy đó là mã vạch của Trung Quốc”.

Mỹ phẩm không tem nhãn

Quan sát các sản phẩm và hoá đơn mua hàng mà các độc giả cung cấp, có thể thấy, các sản phẩm đều vi phạm quy định ghi nhãn theo Nghị định 43 năm 2017 của Chính phủ quy định về ghi nhãn đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Có mặt tại cửa hàng số 179 phố Chùa Bộc, chúng tôi thấy chỉ có một số sản phẩm như mặt hàng dầu gội đầu có dán nhãn phụ, ghi hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ và dấu đỏ của đơn vị nhập khẩu, phân phối... Còn lại, nhiều sản phẩm mỹ phẩm như: Son môi, phấn, các sản phẩm dưỡng da, tẩy da chết... không thấy nhãn phụ tiếng Việt. Khi hỏi một nhân viên về cách nhận biết hàng chính hãng, người này nói: “Chỉ cần nhìn chữ nước ngoài in trên sản phẩm và độ sắc nét của các chữ này là biết hàng chuẩn. Chữ in trên hàng giả sẽ nhoè và mờ hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi sử dụng sẽ thấy ngay, bởi hàng giả có chất lượng rất kém”.

Tại cửa hàng mỹ phẩm số 22 phố Chùa Bộc, các nhân viên tại đây đều khẳng định, sản phẩm ở đây là hàng được nhập khẩu chính hãng. Họ giải thích, “chính hãng” là hàng “được nhập từ nước sản xuất ra sản phẩm đó, còn muốn biết về đặc tính sản phẩm, khách hàng chỉ cần tìm trên mạng Internet là ra chi tiết. “Bên em là hàng chuẩn, được nhiều người tin dùng. Thỉnh thoảng bên em cũng làm các chương trình khuyến mại tri ân khách như bán đắp mặt chỉ với giá 5.000 đồng”, một nữ nhân viên nói.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thẳng thắn: “Chủ cửa hàng hay doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về tem nhãn mỹ phẩm. Đối với hàng nội địa phải có giấy phép sản xuất, giấy phép đăng ký, số công bố mỹ phẩm và đáp ứng tất cả các tiêu chí về thông tin trên nhãn. Đối với hàng nhập khẩu, phải có tem nhãn phụ ghi các thông tin đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, hạn sử dụng. Một sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ sẽ bị coi là hàng trôi nổi trên thị trường có thể bị thu hồi và tiêu huỷ”.

Theo ông Phú, mỹ phẩm nhập khẩu không có tem nhãn là thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Một doanh nghiệp, cá nhân có đầy đủ giấy tờ, hoá đơn cho lô hàng của mình thì không có lý gì họ lại không đáp ứng các yêu cầu tối thiếu về tem nhãn. Bởi tem nhãn đối với hàng nhập khẩu, có thể tạm coi là một minh chứng cho hàng hoá đủ điều kiện pháp lý lưu hành. Có thể nói, thực trạng sản phẩm không có tem nhãn phụ thì ở đâu cũng có, “sờ” đâu cũng thấy.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tồn tại hàng không có tem nhãn theo quy định là do việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng mỹ phẩm còn lộn xộn, mua bán không có hoá đơn chứng từ, không có xuất xứ... Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước có lúc còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, chưa khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, chất lượng, chưa tổ chức hệ thống phân phối, tạo điều kiện hay có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp làm ăn “chân chính” phát triển. Cuối cùng là “kỷ cương phép nước” chưa nghiêm. Có thể nói cách khác chính là “phạt cho tồn tại”. Cá nhân làm sai có thể chấp nhận chịu phạt để được tiếp tục kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận để bù lỗ mức phạt.

Hạ Di- N.Tân

Theo Giadinh.net.vn