Vợ chồng Kỹ sư Tuyết Anh-Hoàng Lâm đã bảo tồn thành công nhiều gene dược liệu quý hiếm

Vợ chồng Kỹ sư Tuyết Anh-Hoàng Lâm đã bảo tồn thành công nhiều gene dược liệu quý hiếm

Gắn đời mình với đất cát

Nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất Hoà Hiệp, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên - nơi chỉ toàn cát là cát, hễ có gió là cát bay mù mịt, cát chạy hất thẳng vào mặt người để khảo sát trồng cây dừa cạn, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh (sinh năm 1954), Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung kể lại: Ngày ấy (năm 1987) khi đang làm tại Cty Dược liệu Trung ương 2, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Duy Cương về nghiên cứu, phát triển cây dừa cạn, vợ chồng chúng tôi đã đi khắp mấy tỉnh miền Trung khảo sát, tìm nơi có thổ nhưỡng tốt nhất.

Mảnh đất Hoà Hiệp, huyện Đông Hoà là nơi có điều kiện lý tưởng cho cây dừa cạn sinh trưởng, phát triển được hoạt chất alkaloid, dược tính cao hơn các vùng khác. Hoạt chất dừa này được sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị nội tiết, tim mạch, máu và đặc biệt ung thư.

Tuy nhiên, với con người thì mảnh đất này lại vô cùng khắc nghiệt, ngoài chuyện toàn cát bay, cát nhảy thì nơi đây còn là “vùng đất chết” với những tàn dư của chiến tranh, là nơi hoang vu, rợn người của trường bắn xưa kia với chuyện kể về những linh hồn lang thang…

“Mọi người dân khi thấy cặp vợ chồng trẻ chúng tôi đến đây đã không khỏi ái ngại bởi đến vùng cát cháy này, chúng tôi không trồng cây lấy gỗ, cây chắn gió mà lại là dược liệu… Thậm chí, nhiều người còn nghi ngờ chúng tôi đóng trại để vượt biên” - kỹ sư Tuyết Anh nhớ lại.

Thời gian khởi đầu không phải mọi sự đều thuận lợi, vùng đất hậu chiến tranh vẫn còn tiềm tàng mối nguy hiểm của bom mìn. Một mặt vừa thuê người rà phá bom mìn, một mặt tìm cách liên hệ với người dân để phát triển diện tích trồng dừa cạn. Nhiều người khuyên cô tiểu thư bỏ “vùng đất chết” về TP. Hồ Chí Minh làm tại một số viện nghiên cứu với mức lương hấp dẫn, nhàn hạ; không phải sống ở vùng đất với những lời đồn đậm chất liêu trai.

Thế nhưng, tình yêu dược liệu đã níu giữ người phụ nữ này ở lại. Sau 8 năm kiên trì với cây dừa cạn, bà Tuyết Anh đã biến “vùng đất chết” này thành “nông trại dược liệu”. Với niềm đam mê cháy bỏng dành cho dược liệu, nữ kỹ sư tiếp tục đưa nhiều cây dược liệu vào trồng thành vùng như: Bụp dấm, diệp hạ châu, lạc tiên tây, mã đề…

Bà Tuyết Anh bên vườn dược liệu quý

Bà Tuyết Anh bên vườn dược liệu quý

Hơn 10ha cát trắng trước đây đã được phủ bởi một màu xanh tươi của các loại dược liệu. Bắt đầu từ cây dừa cạn, hiện nay vùng đất này có hơn 40 loại cây, trong đó có nhiều loại cây quý, hiếm. Nơi này trở thành địa chỉ bảo tồn nhiều loại dược liệu quý, là nơi sản xuất, cung ứng cho thị trường dược liệu trong và ngoài nước những sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu GACP-WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt, thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Nông trại dược liệu sạch

Để trồng được dược liệu đảm bảo đúng quy trình, sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, Trung tâm đã xây dựng một quy chuẩn nghiêm ngặt từ cây giống, quy trình làm đất, chăm sóc cho đến khi thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đối với hộ dân tham gia trồng dược liệu, Trung tâm tổ chức tập huấn, cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quy trình và kiểm tra sản phẩm trước khi nhập.

“Với những hộ dân tham gia trồng dược liệu phải chấp nhận huỷ toàn bộ sản phẩm nếu qua khâu kiểm duyệt sản phẩm bị phát hiện sai quy trình. Dĩ nhiên những loài dược liệu được trồng tại trung tâm còn khắt khe hơn, trong đó mọt trong những điều tuyệt đối cấm kỵ là dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học”, bà chia sẻ.

Có được nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, khâu tiếp theo là quy trình, công nghệ chế biến, bảo quản để cho ra sản phẩm dược liệu sạch. Kỹ sư Tuyết Anh cho biết: Toàn bộ quy trình thiết bị công nghệ chế biến dược liệu do trung tâm trang bị đều phải đảm bảo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế; kiểm soát chất lượng từ khi cây thuốc còn trên đồng ruộng đến khi thu hoạch về xưởng và lúc xuất xưởng. Sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng GACP-WHO.  

Với quy trình nghiêm ngặt đó, các nguyên liệu liệu của Trung tâm đã được các công ty dược có uy tín trong nước nhập và các sản phẩm dược liệu của Trung tâm còn được xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Pháp, Nhật, Đài Loan, Hungary… Hơn thế, mô hình này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

 

Gia đình ông Châu Đình Á, bà Huỳnh Thị Hào ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hoà đã có hơn 10 năm tham gia trồng cây Diệp hạ châu theo hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung kể lại: Những năm trước đây gia đình trồng rau thu nhập không ổn định. Từ khi tham gia trồng dược liệu cho Trung tâm và được bao tiêu đầu ra nên thu nhập cao hơn hẳn.

“Trồng Diệp hạ châu theo tiêu chuẩn của Trung tâm chỉ mất thời gian ủ phân bò rồi băm ra bón cho đất, quá trình chăm cây thì tưới nước, nhặt cỏ. Nhà tôi có 2 sào (1.000m2) mỗi năm cho 3 vụ thu hoạch với thu nhập 20-30 triệu đồng/năm. So với trồng rau thì thu nhập cao hơn hẳn, chúng tôi yên tâm với mô hình này” - ông Á bày tỏ.     

“Đôi bạn” cùng chí hướng

Điều khiến bà Tuyết Anh đau đáu là hiện nay có tình trạng người dân khi gặp được cây thuốc quý sẽ khai thác kiểu “đào tận gốc, bốc tận rễ” nên nguy cơ tuyệt chủng là hiện hữu. Vì thế, ngoài việc phát triển vùng dược liệu, bà vẫn không ngừng theo đuổi các mục tiêu dự án bảo tồn nguồn gene quý.

Bà Tuyết Anh chia sẻ, Trung tâm đã bảo tồn, nhân giống thành công cây nhân sâm Phú Yên, hướng tới trồng đại trà. Đây là loại cây có nguy cơ tuyệt chủng, chứa chất saponin và courmarin chống virus HIV, chống khối u, tăng huyết áp, chống loãng xương, điều trị hen suyễn… Để áp dụng thành công, nghiêm ngặt tiêu chuẩn GACP, Trung tâm Dược liệu đã nhận được sự hỗ trợ của Dự án Biotrade (phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ phát triển vùng dược liệu sạch).

Trong sự nghiệp trồng dược liệu của mình, có lẽ những điều thành công của bà Tuyết Anh chính là sự gắn bó, chung chí hướng với người bạn học, bạn đời-kỹ sư Hoàng Xuân Lâm; sự nối nghiệp của người con trai thứ; và giúp rất nhiều nông dân có công ăn việc làm với mức lương ổn định. Nhiều hộ chuyển từ trồng hoa màu, rau sang trồng cây thuốc Diệp hạ châu đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn, thu nhập 150-200 trệu đồng/ha/năm.

Nói về người bạn đời, kỹ sư Tuyết Anh chia sẻ: Tôi xuất thân con nhà tư sản nên khi còn trẻ có nhiều người ngỏ ý muốn đến với tôi. Nhưng qua tiếp xúc tôi thấy họ không cùng chí hướng, lo ngại rằng nếu đến với họ mình sẽ không được làm điều mình muốn nên tôi từ chối. Thế rồi anh Lâm là bạn học biết nhau từ thời học Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh tìm đến, chúng tôi có cùng niềm đam mê làm dược liệu, cứ thế gắn bó với nhau và nên vợ nên chồng… Trải qua thời gian, đến nay tôi thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn bởi anh luôn tạo điều kiện để tôi được sống với đam mê của mình.

Chia sẻ suy nghĩ về người bạn đời của mình, kỹ sư Hoàng Xuân Lâm cho biết: Chúng tôi cùng lập gia đình, cùng làm nghề dược liệu nên cùng chí hướng, chấp nhận gian khổ; cả hai đều phải thông cảm, chia sẻ khó khăn với nhau. Công việc phải đi xa thường xuyên, có những thời điểm con nhỏ chúng tôi chấp nhận gửi con ở nhà, 2 vợ chồng đi công tác liên miên… Tôi là con trưởng trong gia đình Huế, rất nguyên tắc. Vợ tôi công việc bận rộn nhưng vẫn hoàn tất công việc của người dâu trưởng. Ngoài chuyên môn, cô ấy còn giỏi nội trợ nên tôi hãnh diện với gia đình khi có hậu phương vững chắc. 

Theo ngaynay.vn