Theo dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm do chất lượng nhân lực hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Thống kê cho biết có 8 nhóm ngành ở nước ta cần nguồn nhân lực trong giai đoạn tới bao gồm: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh tế dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thể dục - thể thao, công nghệ cao trong công nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến, trường ĐH Văn Hiến cho biết: “Cách mạng 4.0 với sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo vẫn không thay thế được con người. Do đó, không tác động nhiều đến khối ngành khoa học xã hội. Hàng năm, lượng sinh viên đăng ký theo học các bộ môn ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn tại trường chúng tôi vẫn chiếm tỉ lệ cao. Trong đó, Tâm lý học có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất”.

Trước tác động của “cách mạng công nghiệp 4.0”, con người càng phải không ngừng trau dồi bản thân, nâng cao kiến thức để không bị tụt hậu với thời đại đồng thời phát minh ra những thành tựu cho nhân loại.

“Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” chính là mục đích học tập được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đề cập đến, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Trên cơ sở đó, Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển cũng đã, đang và sẽ hướng đến xây dựng một nền giáo dục 4.0 sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chương trình đào tạo của các trường ĐH vì thế cũng đổi mới gắn liền với thực tiễn, hỗ trợ sinh viên tiếp cận với thực tế nghề nghiệp nhiều hơn. Hành trang của sinh viên sẽ vững chắc hơn trong thời đại công nghệ số.

chon nghe trong thoi dai cong nghe cao
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới cả những thách thức lẫn cơ hội cho nhân loại.

Một điểm nữa là các chuyên gia cũng cho rằng, vào ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Mà nếu bình tĩnh nhìn nhận sẽ thấy sau khi tốt nghiệp THPT mà học ngay một nghề hot thì tương lai cũng rất tốt. Một số ngành được coi là có nhiều khả năng dễ tìm được việc làm, thu nhập ổn định có thể kể đến: Sửa chữa ôtô, cầu đường, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật), sửa chữa và lái tàu biển, hộ lý chăm sóc người già, người bệnh, xây dựng dân dụng, chế biến rau củ quả, đầu bếp, nuôi trồng thủy sản...

Như vậy, không hẳn những ngành nghề dễ kiếm việc đòi hỏi điều gì đó cao siêu, đầu tư lớn, dài ngày. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi nhiều hơn thế, vì đã dần xuất hiện robot thay thế con người trong nhiều công việc. Đây là xu hướng mới trong quá trình tự động hóa sản xuất và trao đổi dữ liệu công nghệ, mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với người lao động.

Theo các chuyên gia, để đón đầu xu thế cũng như hội nhập tự tin, biến thách thức thành cơ hội nghề nghiệp cho bản thân, ngay từ bây giờ người học cần chú ý những điểm cần thiết như phải thành thạo ngoại ngữ. Nhất là tiếng Anh, vì ngôn ngữ này đã trở nên phổ biến ở rất nhiều quốc gia. Một nghiên cứu cho biết, tiếng Anh là ngoại ngữ được sử dụng tại hơn 100 quốc gia và hơn 1,5 tỷ người đang sử dụng để giao tiếp.

Bảo đảm một chuyên môn vững vàng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về bản chất là sự thay đổi mạnh mẽ về công việc, cách làm việc. Nếu không có nền tảng nghề nghiệp vững vàng sẽ khó có cơ hội. Cũng cần phải chuẩn bị tác phong công nghiệp. Tác phong công nghiệp gồm rất nhiều kỹ năng mềm như thuyết trình, giao tiếp, giờ giấc, thích ứng với môi trường công sở, tinh thần làm việc…

Chỉ có được những điều đó mới có thể hoàn thành công việc trong môi trường đòi hỏi ngày một khắt khe. Dù có những lời cảnh báo được đưa ra, nhưng nếu chúng ta có được sự lựa chọn đúng đắn, đồng thời chuẩn bị tốt cho hành tranh cuộc sống thì chúng ta không những có thể tồn tại cùng thời đại công nghệ cao mà còn vươn tới những đỉnh cao hơn nữa. 

Theo phapluatxahoi.vn